Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Làm lợi hàng nghìn tỷ đồng nhờ vượt tiến độ

Thứ tư, 19/08/2015 09:59

Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vận hành, áp dụng phương thức điều hành mới để nâng cao năng suất lao động, đưa công trình sớm vào vận hành… là những phong trào giúp cho ngành điện tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Khi sáng kiến mang lại tiền tỷ

 

 Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 thi công công trình
 nâng công suất trạm biến áp 500 kV Ô Môn.


Dù không phải đơn vị sản xuất làm ra điện, không kinh doanh bán điện nhưng hàng loạt sáng kiến tiên phong trong việc chống quá tải, nâng cao chất lượng điện năng và hiệu quả cung ứng điện cho khu vực TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam của Công ty truyền tải điện 4 (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) đã góp phần làm lợi, tiết kiệm cho ngành điện nhiều nghìn tỷ đồng.

Ông Võ Đình Thủy, Giám đốc Công ty truyền tải điện 4 cho biết, nhiều công trình rất phức tạp, mang tính chất đột phá trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, cũng như tiên phong trong việc thực hiện các công trình cải tạo, phát triển lưới điện góp phần chống quá tải, nâng cao chất lượng điện năng và hiệu quả cung ứng điện cho khu vực TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đã được công ty hoàn thành nhờ những sáng kiến được áp dụng từ thực tế.

Tiêu biểu nhất có thể kể đến là công trình “Tăng cường công suất trạm biến áp 220 kV Long Thành - Lắp đặt MBA 250 MVA” chào mừng 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ áp dụng các kỹ thuật thi công mới, công trình hoàn thành sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch, làm lợi cho EVN với doanh thu là 900 tỷ đồng.

Với việc nhanh chóng đưa vào vận hành vượt tiến độ hơn 1,5 tháng so với kế hoạch, công trình “Thay MBA 220 kV - 250 MVA trạm 220 kV Long An” giúp làm lợi cho EVN với doanh thu 100 tỷ đồng. Tương tự, việc hoàn thành sớm công trình “Thay máy biến áp AT1 500 kV, công suất 450 MVA bằng máy biến áp 500 kV, công suất 600 MVA trạm 500 kV Tân Định” còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và khu vực tỉnh Bình Dương, đặc biệt trong giai đoạn thiếu hụt công suất do Nhà máy điện Cà Mau không đủ khí để vận hành. Công trình vượt tiến độ 124 ngày so với kế hoạch do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia giao và làm lợi cho EVN với doanh thu hơn 18,4 tỷ đồng.

Không chỉ hoàn thành sớm kế hoạch được giao, Tổng công ty truyền tải điện 4 đã áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp chỉ tiêu tổn thất điện ngày càng giảm và thấp hơn định mức cho phép. Năm 2010 tỷ lệ tổn thất điện đạt 1,96% đến 2014 chỉ còn 1,29%. Riêng công tác giảm tỷ lệ điện tổn thất thấp hơn so với định mức được giao trong suốt 5 năm qua đã tiết kiệm cho ngành điện hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhờ phát huy ý thức tự giác, thực hành tiết kiệm tránh lãng phí nhằm hạ thấp giá thành truyền tải được cán bộ công nhân viên hết sức quan tâm thực hiện trong quản lý sản xuất và kỹ thuật, chi phí sản xuất hàng năm tiết kiệm giảm bình quân 3% - 5% so với định mức được giao.

Đặc biệt công trình “Nâng công suất trạm biến áp 500 kV Ô Môn” hoàn tất sớm hơn 37 ngày so với kế hoạch Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia giao đã làm lợi cho EVN với giá trị khoảng 54 tỷ đồng. Theo ông Võ Đình Thủy, trong trường hợp chưa nâng công suất trạm, nếu nhà máy Cà Mau cắt khí PM3 hàng năm 14 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa thì sản lượng điện chạy dầu của nhà máy Ô Môn cần huy động khoảng 131,2 triệu kWh. Sau khi trạm được nâng công suất lên 900 MVA thì sản lượng điện chạy dầu chỉ còn khoảng 69,8 triệu kWh (chênh lệch khoảng 61,4 triệu kWh). Nếu tính trong một năm, tổng chênh lệch sản lượng điện từ việc nâng công suất máy biến áp lên 900 MVA tại TBA 500 kV Ô Môn với việc huy động điện chạy dầu, khí sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.

Tạo động lực thi đua từ những công việc hàng ngày

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của tập đoàn đều phải có nội dung thiết thực, gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong từng thời điểm là chủ trương nhất quán của tập đoàn. Chính các hình thức, biện pháp tổ chức phong phú, thường xuyên được đổi mới đã thực sự động viên, thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên tham gia, phấn đấu sáng tạo, hăng say lao động, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng ngành điện ngày càng vững mạnh hơn.

“Khen thưởng đã thực sự có tác dụng động viên, tạo không khí thi đua sôi nổi từ phân xưởng tới trạm điện ở những nơi vùng sâu, vùng xa; đặc biệt các hình thức khen thưởng đột xuất, khen thưởng hoàn thành các công trình xây dựng điện được trao tặng kịp thời cũng tạo nên sự động viên, khích lệ đối với người lao động ở cơ sở”, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.

"Mục tiêu và nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2016-2020 đặt ra đối với cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất to lớn, nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức. Tập đoàn sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên tham gia thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực