Ngành Điện phát quang cây cối vi phạm HLBVATLĐ.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Ngày 15/7, gần 3.000 hộ dân thuộc 2 xã Mường Nọc, Quế Sơn và khối 5 thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) bị mất điện do một gia đình chặt cây nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, làm đứt đường dây 35 kV. Theo Điện lực Quế Phong (Công ty Điện lục Nghệ An), hàng năm trên địa bàn huyện có 7 - 8 vụ chặt cây đổ vào hàng lang lưới điện, gây thiệt hại về người và tài sản.
Gần đây, tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội), Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội cũng đã phát hiện một công trình vi phạm nghiêm trọng HLBVATLĐ. Cụ thể, tại khoảng cột 71 - 72 - 73 đường dây 110 kV Hà Đông - Phùng Xá - Sơn Tây, công trình xây dựng bể bơi của ông Nguyễn Doãn Tài nằm trong HLBVATLĐ cao áp. Đây là công trình vi phạm rất nguy hiểm, nhất là vào thời điểm giông, sét, rất dễ xảy ra tình trạng truyền điện xuống chân cột điện, gây tai nạn. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội đã lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, đồng thời có văn bản gửi UBND huyện Quốc Oai, Sở Công Thương Hà Nội báo cáo, đề xuất phương án xử lý...
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ vi phạm HLBVATLĐ đã và đang tồn tại trên địa bàn cả nước, đe dọa đến an toàn hệ thống điện cũng như tính mạng con người. Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, tình hình vi phạm trên địa bàn Hà Nội hiện còn rất phức tạp. Mặc dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng tính đến ngày 31/5/2016, toàn Thành phố vẫn còn 1.029 vụ...
Tương tự, trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam, tình hình sự cố lưới điện do vi phạm HLBVATLĐ cao áp vẫn diễn biến phức tạp. Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, toàn Tổng công ty xảy ra 49 sự cố lưới điện do vi phạm HLBVATLĐ, trong đó có 12 sự cố lưới điện 110 kV và 37 sự cố lưới điện 22 kV. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn điện dẫn đến vi phạm.
Theo ông Dư Cao Minh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đến nay, trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn 2.653 vụ vi phạm HLBVATLĐ. Đáng nói, tại một số địa phương, dù ngành Điện đã rất nỗ lực tuyên truyền và xử lý nghiêm, nhưng số vụ vi phạm phát sinh mới gần bằng số điểm được xử lý.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm, trong đó chủ yếu là do người dân xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình không đúng giấy phép; lắp đặt ăng ten tivi, bảng hiệu quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện; chặt cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện; các phương tiện thi công cơ giới va quệt vào đường dây điện... Ngoài ra, nhiều chủ công trình xây dựng chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về HLBVATLĐ khi thi công.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) cho biết, để giảm tình trạng vi phạm HLBVATLĐ, PC Lạng Sơn đã triển khai rất nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền; dịch chuyển các vị trí cột, đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện; dịch chuyển các vị trí đường dây ra hè đường để tránh nhà dân, đảm bảo vận hành, kinh doanh bán điện... Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Công ty giảm được 8 vụ vi phạm. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả và triệt để, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Bởi ngành Điện không có thẩm quyền xử phạt, tháo dỡ, hay cưỡng chế các công trình vi phạm. Chính vì vậy, trong một số trường hợp người dân không chấp hành, Điện lực gặp rất nhiều khó khăn.Chính quyền các cấp ở địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn.
“Ngay trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, có một hộ gia đình xây nhà quây quanh trạm biến áp, vi phạm nghiêm trọng HLBVATLĐ. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc, tuyên truyền, yêu cầu tháo dỡ, nhưng gia đình không chấp hành. Điện lực thành phố Lạng Sơn cũng đã lập biên bản, gửi và đề nghị Sở Công Thương và chính quyền Thành phố cùng vào cuộc một cách quyết liệt. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Tắm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) cho biết, sự vào cuộc của chính quyền địa phương có vai trò quyết định.
Ông Tắm cho biết, nhiều năm nay, trên địa bàn TP. Hải Phòng không còn tình trạng vi phạm HLBVATLĐ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với ngành Điện. “Thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo với sự chủ trì của Sở Công Thương. Mỗi khi phát hiện vi phạm, Sở Công Thương, chính quyền các cấp vào cuộc, tiến hành xử lý ngay và dứt điểm”, ông Tắm cho hay.
Thời gian qua, với trách nhiệm của mình, ngành Điện đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tuyên truyền đến từng hộ dân; kiểm tra phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang; phát hiện kịp thời, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten tivi có nguy cơ đổ vào lưới điện... Có những khu vực, ngành Điện đã hạ ngầm lưới điện để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hệ thống lưới điện. Dù vậy, thực trạng vi phạm trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp phát sinh mới, do người dân xây dựng các công trình không tuân thủ quy định.
Thiết nghĩ, việc giảm thiểu tình trạng vi phạm HLBVATLĐ không chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, góp phần cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh mà còn giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Do vậy, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp với ngành Điện tuyên truyền, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm HLBVATLĐ.