Ca khúc thiếu nhi - những bông hoa quý trong vườn hoa nghệ thuật

Thứ sáu, 25/12/2020 11:35
(ĐCSVN) - Ca khúc thiếu nhi - một món ăn tinh thần không thể thiếu của tuổi thơ - qua nhiều năm tháng đã theo sát những bước trưởng thành của thiếu nhi. Ca khúc thiếu nhi có tác dụng giáo dục sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, mở rộng kiến thức cho thiếu niên nhi đồng.

Trước Cách mạng tháng Tám, ca khúc thiếu nhi chỉ biểu hiện ở hình thức sơ khai qua những bài đồng dao, những câu nói vần, hát đố… Rất ít bài hát thiếu nhi được phổ biến, ngoài một số bài hát của Pháp như :“ Anh em Giắc” (Frères Jacques), “Con gà trống bị chết” (Le coq est mort)… Lẻ tẻ có một vài sáng tác của nhạc sĩ Việt Nam như “Tiếng hát chăn trâu”(1935) của Văn Chung”, "Bài hát thiếu sinh” (1942) của Lưu Hữu Phước… nhưng ít được ai biết đến.

Cho tới nay thì tình hình đã khác hẳn, ca khúc thiếu nhi đã trưởng thành vượt bậc.Trước tiên về số lượng và thể loại, có thể nói nói ca khúc thiếu nhi đi từ con số ít đến hàng chục ngàn bài, từ một tiếng nói lẻ tẻ đầu năm 1945, đến nay đã hình thành cả một nền ca khúc thiếu nhi Việt Nam, có tiếng nói riêng, đứng ngang hàng với các thể loại khác, ngày càng có những đóng góp giá trị vào kho tàng âm nhạc của chúng ta. Về đội ngũ sáng tác, từ một vài nhạc sĩ của những ngày đầu cách mạng, ta có cả một đội ngũ hùng hậu với hàng trăm tác giả nhiệt tình và nhiều kinh nghiệm. Đề tài ngày càng phong phú, từ chỗ tập trung vào chủ đề chiến tranh chống Pháp,chống Mỹ, nay ca khúc thiếu nhi  đã đi sâu vào mọi khía cạnh tình cảm của các em ở mọi lứa tuổi khác nhau, từ tuổi thơ đến tuổi trăng rằm. Qua đó, ta thấy mọi yêu cầu về giáo dục tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ đều được đề cập đến.

Ảnh minh họa (Theo diendannhalanhdao.com) 

Về nghệ thuật sáng tác, trước hết, nói về lời ca, các tác giả dùng những ca từ rất dễ hiểu, mộc mạc, hồn nhiên như những lời các em nói hằng ngày, nhiều khi rất ngộ nghĩnh, dí dỏm: "Thằng cu Sáo thích thổi kèn bằng cái lá đa như tiếng người hen”(“Lỳ và Sáo” - Văn Chung). Các tác giả còn tìm đến cách nói rất cảm tính, thể hiện những suy ngây thơ của trẻ: “Ba thương con vì con giống mẹ,mẹ thương con vì con giống ba” (“Cả nhà thương nhau” - Phan Văn Minh) và cả cách đặt lời nghịch ngợm kiểu “trẻ con”: "Búp bê bằng bông biết bay …” (“Búp bê bằng bông” - Lê Quốc Thắng). Ngược  lại với lời ca mộc mạc, giản dị, mang phong cách khẩu ngữ trên là những lời ca trữ tình. Đó là những ca khúc phổ thơ hoặc những lời ca viết theo văn xuôi nhưng rất giàu hình ảnh như “Khóm tre ngà đón nắng đâu về mà thêu hoa..” (“Tre ngà bên lăng Bác” - Hàn Ngọc Bích). Các sắc thái tư tưởng cũng được khắc họa qua nhiều biện pháp tu từ, ẩn dụ “hoa lung linh và hoa trong ánh mắt” (“Em bay trong đêm pháo hoa” - Hàn Ngọc Bích). Biện pháp so sánh: “Trăng khuyết như lưng bà  thấp thoáng bên vườn rau” ( “Hoa điểm mười “- Vũ Hoàng và Trần Thanh Quang), hoặc nhân cách hóa “Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi” (“Đi học” - Bùi Đình Thảo, thơ Minh Chính). Lời ca nhiều bài gắn khá chặt chẽ với âm nhạc và cấu trúc từng câu từng chữ (“Đuổi chim” - Việt Anh, thơ Nhược Thủy).

Về âm nhạc thì cấu trúc ca khúc thiếu nhi thường rất ngắn gọn, chân phương. Phần lớn là hình thức 1 đoạn đơn, còn lại là 2,3 đoạn đơn. Nhiều bài chỉ xây dựng trên một âm  hình tiết tấu mà hiệu quả rất tốt (“Chim chích bông” - Văn Dung, thơ  Nguyễn Viết Bính; “Bé yêu  già Hồ “- Đỗ Nhuận). Ở thể 3 đoạn đơn, thường là tái hiện nguyên xi. Nhưng cũng có trường hợp tái hiện thay đổi nhiều hoặc theo hình thức abc có tính chất kể lể (ballad) (“Lỳ và Sáo” - Văn Chung) - và kéo dài (“Em bé Mường La” - Trần Ngọc Xương). Hình thức này thích hợp với cách trình diễn của người lớn hát cho trẻ em nghe vì nó đã trở thành một ca khúc nghệ thuật. Tiết tấu của ca khúc thiếu nhi phần lớn là bình ổn. Có đôi bài dùng đảo phách, nghịch phách, tinh nghịch, dí dỏm (scherzo) (“Mèo con đi học” - Hoàng Lân, thơ Vô-rôn-cô) hoặc dùng nhiều quãng 4,5,7 để tạo nên màu sắc dân tộc (“Ngày đầu tiên đi học” - Nguyễn Ngọc Thiện, thơ: Viễn Phương). Có nhiều bài đậm màu sắc riêng của các dân tộc khác như dân tộc H’mông (“Sapa hỡi! Sapa hời!” - Thế Bảo), Tây Nguyên(“Em nhớ Tây Nguyên” - Văn Tấn, thơ Trần Quang Huy), Thái ("Mái trường bên suối” - Trần Mạnh Cung)… Để kết thúc một bài hát, thủ pháp hay được dùng là nhắc lại câu cuối 2, thậm chí 3 lần (“Lời chào của em” - Nghiêm Bá Hồng, thơ Nguyễn Hoàng Sơn).

Qua tìm hiểu cho thấy, ca khúc thiếu nhi có những đặc điểm riêng của nó. Đó là tầm cữ không quá rộng, chỉ trong phạm vi từ nốt “là” trầm đến “rê”, cấu trúc thường ngắn gọn, giản đơn đến mức chỉ sử dụng1,2 âm hình tiết tấu. Âm nhạc và ca từ dễ hiểu, dễ hát, trong sáng, hồn nhiên. Nếu mang tính chất trữ tình thì thiết tha, êm dịu mà không bi lụy, nếu khỏe thì không lên gân ồn ã, nếu vui thì hồ hởi, nhịp nhàng, không quá náo  nhiệt, nhiều khi khá dí dỏm, tinh nghịch, thông minh một cách rất “trẻ con”.

Cái cốt lõi để tạo nên giá trị nghệ thuật một ca khúc thiếu nhi là ở chỗ  tác giả có nắm được tâm sinh lý các em không? Có thực sự rung động để có tiếng nói đồng điệu với trẻ thơ không?Nó có thể rất hay mà không cần đến những kỹ thuật cầu kỳ, phức tạp.

Ca khúc thiếu nhi là những bông hoa quý trong vườn hoa nghệ thuật của đất nước.Tưới tắm làm sao cho nó ngày càng thêm đậm màu sắc, ngày càng tỏa ngát hương thơm để cho vườn hoa chung ngày càng thêm rực rỡ, đó là mong ước của tất cả chúng ta - những ai yêu mến, quan tâm đến các em, vì “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”./.


Nguyễn Trần Hùng/dangcongsan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực