Thái Nguyên: Chuyển đổi số tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội

Thứ sáu, 22/11/2024 14:05
(ĐCSVN) - Việc thúc đẩy chuyển đổi số đã tạo giá trị gia tăng cao đối với sản phẩm, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.

Sức bật từ một nghị quyết

Là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, ngay sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới, mang lại nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai công tác chuyển đổi số  

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, sát thực tiễn; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định kinh tế, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi số; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số chuyển đổi số (DTI), trong đó chính quyền số xếp thứ 7/63; kinh tế số xếp thứ 15/63 và xã hội số xếp thứ 9/63.

Đến hết năm 2023, Thái Nguyên đã đạt 13/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về các chỉ số quan trọng trong năm 2023, tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả tiêu biểu như Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 45,7875 điểm đứng thứ 2 toàn quốc; Chỉ số hài lòng sự phục vụ hành chính (SIPAS) tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2 cả nước. Đây cũng là năm Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu đề ra theo Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2025; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đạt 90,76%, tăng 3,39% và 3 bậc so với năm 2022; xếp thứ 02/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương được Trung ương chọn thí điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, với việc thực hiện 21 mô hình chuyển đổi số nhằm phục vụ các lĩnh vực như thủ tục hành chính, kinh tế - xã hội và công dân số.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đạt được những kết quả trong chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên là nền tảng để Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai định hướng phát triển chuyển đổi số theo quan điểm mới của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Nhằm đón đầu các cơ hội phát triển từ chuyển đổi số, ngày 15/11/2024 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2840/QĐ-UBND về việc Ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024-2025 với 8 nhiệm vụ chính là: Phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên; Triển khai Hệ thống tổng đài 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh Thái Nguyên; Nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Triển khai hệ thống Camera trên địa bàn tỉnh; Triển khai hệ thống định danh điện tử tỉnh Thái Nguyên; Triển khai hệ thống định vị (Nền tảng bản đồ số của chính quyền); Phát triển năng lực số (phát triển năng lực số cho người lao động; triển khai STEM trong giáo dục phổ thông); Ứng dụng nền tảng AI (khai thác dữ liệu).

Chuyển đổi số là hoạt động đặc thù, khó khăn, cần nhiều nguồn lực để thực hiện, do đó quá trình chuyển đổi số cần ưu tiên một số ngành, lĩnh vực và phù hợp tình hình thực tiễn ở từng thời điểm cụ thể. 

Trong đó phát triển hạ tầng số cũng là mục tiêu quan trọng cần phải triển khai trong giai đoạn tới như: Mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện (năm 2024); 100% khu dân cư (năm 2025); 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; Phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu đều có truy cập FTTH tốc độ Gbps; Mời gọi thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (DataCenter) (quy mô trên 1000 racks, trên 10MW) để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt các doanh nghiệp FDI; Nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; Xây dựng bản sao số (Digital Twins) tại khu công nghiệp; Triển khai ứng dụng Drone, camera trong sản xuất và chế biến nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây chè; Triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; Phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất hoạt động, đầu tư nhất quán, tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả đầu tư cho các khu vực trọng điểm để triển khai nhân rộng toàn tỉnh, toàn vùng và cả nước (nhà máy, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, nông nghiệp, hành chính công).

 Chương trình Livestream phiên chợ xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm “Miến dong Việt Cường và nông sản Thái Nguyên” nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các nền tảng số.

Chuyển đổi số phải đi đôi với tối ưu hóa quy trình và sẵn sàng từ bỏ cách làm truyền thống nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiệu quả. Chuyển đổi số phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.

Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2024-2025 với những mục tiêu cụ thể như: Trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với đó việc phát triển Chính phủ số cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả: Hoàn thành xây dựng Kiến trúc số (Chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên, phiên bản 3.0); Xây dựng Chiến lược dữ liệu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; Triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh Thái Nguyên; Triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt, dựa trên sự kết hợp hài hoà giữa VNeID và hệ thống định danh số của tỉnh; Triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác quy hoạch và quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch phát triển tỉnh.

Có thể thấy chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra cơ hội bứt phá vươn lên; là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là trọng tâm của đổi mới sáng tạo./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực