|
Đồng chí Bùi Thị Sen - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai. |
Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với quyết tâm nỗ lực của các ngành, các cấp và sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng nhân dân, công tác giảm nghèo của huyện Võ Nhai đã có những chuyển biến tích cực. Để hiểu rõ hơn về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Sen, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai.
PV: Xin đồng chí cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, huyện Võ Nhai đã đạt được những kết quả như thế nào trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững?
Đồng chí (Đ/c) Bùi Thị Sen: Theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, năm 2022 trên địa bàn huyện Võ Nhai còn 2.897 hộ nghèo (chiếm 16,28%). Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch triển khai hằng năm. Trong đó, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình trong 3 năm 2022, 2023 và 2024 là trên 19 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (dự kiến đến hết năm 2024 xây dựng được tổng số 21 mô hình); hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn kinh phí hợp pháp… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 12,06% và dự kiến đến hết năm 2024 giảm xuống chỉ còn 8,48%.
Tính riêng trong năm 2023, bên cạnh nguồn lực từ chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện Võ Nhai đã dành trên 121 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống bà con.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Võ Nhai đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Đây là hoạt động nhằm giúp người dân không chỉ nâng cao thu nhập mà còn khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo từ chính sức lao động.
PV: Đạt được những kết quả đó, huyện Võ Nhai đã có những kinh nghiệm như thế nào trong quá trình giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từ đó đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025?
Đ/c Bùi Thị Sen: Võ Nhai luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, cũng như toàn xã hội. Do vậy, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về nhận thức và hành động.
Huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả việc lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là tại các địa bàn khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của chương trình giảm nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí...
PV: Bên cạnh những thuận lợi, huyện Võ Nhai đã gặp phải những khó khăn, hạn chế như thế nào trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Thị Sen: Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao, nhiều địa phương còn khó khăn. Việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế về địa hình để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại trong khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, khiến triển khai chương trình giảm nghèo trên địa bàn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực, nhưng do xuất phát điểm của huyện thấp nên đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; còn tồn tại hủ tục lạc hậu tảo hôn, tục ma chay cưới xin, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; lề lối, tác phong, tập quán canh tác của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Một số khó khăn, hạn chế có tác động sâu sắc đến bộ mặt nông thôn và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Đồng chí Bùi Thị Sen cùng Ban chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo huyện đi kiểm tra để hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Phương Gia |
PV: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, huyện sẽ có những phương hướng triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Thị Sen: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư theo các chương trình mục tiêu quốc gia phân kỳ giai đoạn 2022 - 2025 đã và đang thực hiện.
Đồng thời chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả theo các chương trình, dự án, cụ thể; tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương.
Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo và Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của các xã vùng dân tộc, miền núi khó khăn như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, chợ, nước sinh hoạt... với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 98% số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các xã có hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
Nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ được xây dựng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác giáo dục, đào tạo có tiến bộ; trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hóa nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.
UBND huyện tập trung triển khai thực hiện Đề án về “Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án về “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” theo hướng tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, có đầu ra ổn định./