Châu Âu, Mỹ - Nga: Một năm nhìn lại

Thứ ba, 27/12/2022 15:04
(ĐCSVN) – Năm 2022 thế giới vẫn đang trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì bất đồng, căng thẳng chưa từng có giữa phương Tây và Nga, không những không được giải quyết mà còn bùng phát thành xung đột quân sự tại Ukraine và lan sang nhiều lĩnh vực, khiến gia tăng nguy cơ về các cuộc khủng hoảng và hậu quả không mong muốn.

Từ xung đột quân sự…

Các binh sĩ Nga tại một khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk hồi tháng ba.

Ảnh: vietnamnet.vn

Trong năm qua, tâm điểm của tình hình an ninh thế giới đổ dồn vào xung đột Nga - Ukraine. Đây không chỉ đơn giản là cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai với sự hậu thuẫn của Nga và Chính phủ Ukraine ở miền Đông nước này, mà còn là cuộc xung đột giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. 

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Mối quan hệ cạnh tranh nhiều hơn hợp tác đã chi phối mạnh mẽ việc tập hợp lực lượng mới, đồng thời tác động không nhỏ đến chiều hướng quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh trên thế giới, nhất là các quốc gia tầm trung và có vị trí địa - chiến lược quan trọng như Ukraine.

Quan hệ Nga và NATO cũng lâm vào khủng hoảng. NATO đình chỉ quan hệ “đối tác vì hòa bình” với Nga; mở rộng về phía Đông; tăng cường trợ giúp huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó Nga coi việc “NATO Đông tiến” là thách thức, đào sâu sự mất cân bằng chiến lược giữa Nga và khối này. Tình hình còn xấu hơn khi Mỹ bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc, mà phía Nga cho là vi phạm sự ổn định chiến lược. 

Ukraine và phương Tây luôn cáo buộc Nga “xâm lược” và sáp nhập trái phép lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó Nga cáo buộc Tổng thống Ukraine Zelensky châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới; Mỹ và một số nước phương Tây khác trực tiếp can thiệp xung đột Ukraine và châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân.

Theo các chuyên gia quân sự, cuộc xung đột tại Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh tại châu Âu vốn được thiết lập từ sau chiến tranh Lạnh và một trật tự thế giới mới có thể sẽ được hình thành. Việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, cùng với đó là dự kiến tăng ngân sách quốc phòng năm tới của cả Mỹ (847 tỷ USD), EU (bổ sung 72 tỷ USD đến năm 2025) và Nga (86 tỷ USD), khiến mức độ căng thẳng quân sự trong khu vực này có thể sẽ gia tăng và khó dự đoán. 

Đến xung đột khí đốt…

Cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ dừng lại ở hành động quân sự, mà đã trở thành một “cuộc chiến tổng lực”, bao gồm cả bằng vũ khí nóng trên chiến trường; tư tưởng, truyền thông và dầu mỏ, khí đốt. Theo đó, căng thẳng khí đốt bắt đầu leo thang sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, động thái lập tức đẩy giá xăng dầu thế giới tăng vọt do lo ngại nguồn cung có thể bị cắt giảm. 

Kế sau đó là liên tục các động thái “tung đòn” và “đáp trả” lẫn nhau giữa hai bên. EU loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một loạt đề xuất nhằm tiến tới giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào cuối năm 2022 và chấm dứt sự phụ thuộc vào tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch Nga trước năm 2030. EC cũng công bố kế hoạch trị giá 300 tỷ USD nhằm tiến tới ngừng nhập khẩu năng lượng Nga vào năm 2027. Nhóm G7 áp mức giá trần lên dầu mỏ của Nga.

Nhiều nước EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế sản phẩm từ Nga. EU ký thỏa thuận với Azerbaijan; tìm nguồn cung bù đắp từ Qatar, Na Uy và Algeria; xây dựng một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt trong khối để các quốc gia tiết kiệm đủ khí đốt vượt qua mùa Đông. Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga và đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay. 

Nga cũng có các động thái đáp trả cứng rắn khi cấm các nước mua khí đốt của Nga thanh toán bằng đồng USD và Euro. Nga chỉ chấp nhận cho các quốc gia được cho là “thiếu thân thiện”, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, 27 nước EU…, thanh toán bằng đồng Rúp. Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan; khóa van khí đốt sang Phần Lan, Đan Mạch; giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua Nord Stream 1, chỉ còn 20% công suất bình thường. Nga cũng không chấp nhận mức giá trần mà G7 áp lên dầu của nước này.

… Và khủng hoảng, chia rẽ, bất ổn xã hội

Xung đột khí đốt kiến tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến giá năng lượng tăng hơn gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 5 năm qua. Toàn bộ châu Âu đang chìm trong tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Theo dự báo của Deutsche Bank, một cuộc suy thoái “dài hơn và sâu hơn” sẽ diễn ra ở châu Âu, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn biến theo chiều hướng ngày một tồi tệ hơn.

Các chỉ số thống kê cho thấy, khu vực đồng euro dường như sắp lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công, khi danh sách các quốc gia gặp khó khăn tài chính ngày càng tăng lên. Italia kết thúc quý I/2022 với tổng nợ công 152,6% GDP, Hy Lạp (189,3%), Bồ Đào Nha (127%), Tây Ban Nha (117,7%), Pháp (114,4%), Bỉ (107,9%) và Síp (104,9%).

Lạm phát ở châu Âu tăng phi mã, nguy cơ suy thoái kinh tế. Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16/9 cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại EU đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8. Theo đó, Pháp có tỷ lệ lạm phát 6,6%, Malta (7%), Phần Lan (7,9%), Latvia (21,4%), Litva (21,1%) và Estonia (25,2%). Đức được dự báo ở mức 8,1% và năm 2023 là 9,3%. Một bài báo trên tạp chí Anh, thậm chí còn cho rằng, kinh tế EU đang rơi vào suy thoái.

Khan hiếm lương thực, thực phẩm đang diễn ra khắp châu Âu. Khoảng 40% trong số 3.000 thành viên Tổ chức Glastuinbouw Nederland gặp khó khăn về tài chính. Sản lượng nông sản trồng trong các nhà kính của Anh dự báo giảm một nửa so với mức trung bình các năm. Tại Pháp, ước tính thiệt hại 25 - 35% sản lượng rau và giá rau tươi đã tăng 4,9% trong hơn một năm qua. 

Châu Âu còn phải đối mặt với làn sóng di cư mới, khi trong 10 tháng năm 2022, EU đã đón nhận khoảng 280.000 người, tăng khoảng 77% so với năm 2021. Số lượng người nhập cảnh qua Tây Balkan tăng gần 200%. Dự kiến, khoảng 60.000 người sẽ đi thuyền vượt biển trái phép để đến châu Âu năm nay, tăng gấp đôi so với năm 2021 (con số này không bao gồm người Ukraine xin tị nạn). 

Tác động từ nhiều mặt khiến các nước châu Âu rơi vào tình trạng chia rẽ bất đồng. Các chia rẽ bao gồm cả kế hoạch áp mức giá trần đối với khí đốt của Nga; những tranh cãi về vấn đề cấp thị thực cho công dân Nga. Dấu hiệu bất ổn xã hội đã xuất hiện ở châu Âu, khi nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ hay yêu cầu Tổng thống, thủ tướng và nội các từ chức. 

Nga cũng vấp phải những khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, GDP nước này sẽ giảm 2,9% trong năm 2022, 0,8% vào năm 2023. Bộ Tài chính Nga cho biết trong vòng 3 năm tới, bộ này sẽ phải đối mặt với khó khăn về phân bổ ngân sách. Về quân sự, khả năng của Nga trong việc hoàn thiện phát triển các phương tiện chiến đấu cũng bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cảnh báo, căng thẳng giữa phương Tây và Nga sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề quốc tế lâm vào bế tắc, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân Iran,… và mọi nỗ lực trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cũng sẽ bị cản trở. Điều đó, đòi hỏi sự cần thiết của đối thoại và cân bằng lợi ích giữa các bên trong thời gian tới./. 

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực