Báo động tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới
|
Thành phố Dhaka ở Bangladesh liên tục được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh: Shutterstock) |
Ô nhiễm môi trường không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần không khí, do khói, bụi, hơi hay các khí lạ được đưa vào không khí gây nên các mùi lạ, làm giảm tầm nhìn, biến đổi khí hậu, hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người cũng như động thực vật trên trái đất. Tình trạng ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.
Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm không khí là một rủi ro sức khỏe môi trường lớn nhất hiện nay và là kẻ giết người thầm lặng cướp đi sinh mạng của hơn 8,1 triệu người mỗi năm.
Theo khuyến nghị của WHO, một người không nên hít phải quá 5 microgam hạt mịn trên một mét khối không khí, trung bình, trong suốt một năm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ gần đây đã đề xuất thắt chặt tiêu chuẩn của mình từ 12 lên 9 microgam trên một mét khối. Bốn quốc gia ô nhiễm nhất trong bảng xếp hạng năm 2023 của IQAir gồm: Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Tajikistan — đều ở Nam và Trung Á.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng giao thông xe cộ, than và khí thải công nghiệp, đặc biệt là từ lò gạch, là những nguồn chính gây ô nhiễm cho khu vực. Nông dân đốt chất thải mùa màng theo mùa cũng góp phần gây ra vấn đề này, cũng như các hộ gia đình đốt gỗ để sưởi ấm và nấu ăn.
|
Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì chúng xuất phát từ các nguồn chung và có tác động chung đến việc giải phóng khí thải nhà kính. Việc giải quyết ô nhiễm không khí có thể mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế, sức khỏe con người và khí hậu.
Còn theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là một trong những rủi ro môi trường nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe trẻ em và cũng là vấn đề sức khỏe môi trường tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi người ở các nước dù có mức thu nhập thấp, trung bình hay cao. Năm 2019, có đến 99% dân số thế giới sống ở những nơi không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí theo hướng dẫn của WHO. Tác động kết hợp của ô nhiễm không khí xung quanh và ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan đến 6,7 triệu ca tử vong sớm hàng năm.
WHO chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2019, với khoảng 89% số ca tử vong trong số này ghi nhận ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và con số lớn nhất ở các khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương của WHO.
Theo khuyến cáo của WHO, việc áp dụng các chính sách và khoản đầu tư hỗ trợ giao thông sạch hơn, nhà ở tiết kiệm năng lượng, sản xuất điện, công nghiệp và quản lý chất thải đô thị tốt hơn sẽ làm giảm các nguồn ô nhiễm không khí ngoài trời chính. Việc tiếp cận năng lượng sạch trong gia đình cũng sẽ làm giảm đáng kể ô nhiễm không khí xung quanh ở một số khu vực.
Từ những lập luận trên, WHO chỉ ra rằng, giải quyết ô nhiễm không khí – vốn được coi là yếu tố nguy cơ cao thứ hai đối với các bệnh không lây nhiễm, là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hầu hết các nguồn ô nhiễm không khí ngoài trời đều nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân và điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cấp địa phương, quốc gia và khu vực làm việc trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, quản lý chất thải, quy hoạch đô thị và nông nghiệp phải hành động đồng bộ.
Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ
Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index - EPI) chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2.5). Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.
Trung bình vào năm 2023, chỉ số PM2.5 của Việt Nam cao gấp gần 6 lần mức khuyến nghị của WHO. Số liệu thống kê ô nhiễm không khí mới nhất vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại, tác động đến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của người dân Việt Nam.
Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chất lượng không khí kém là nguy cơ lớn đối với sức khỏe ở Việt Nam và trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm. Nếu không hành động để giải quyết các tác động đến sức khỏe, ô nhiễm không khí có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến mức tăng tuổi thọ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ gần đây.
Do đó, UNICEF chỉ ra rằng, việc giải quyết ô nhiễm không khí một cách hiệu quả nhằm mang lại sức khỏe và các lợi ích khác cho tất cả mọi người đòi hỏi phải có thay đổi ở cấp chính sách, cấp ngành để giải quyết ô nhiễm từ nguồn gốc của nó. Điều đó có nghĩa là, để làm sạch không khí mà chúng ta hít thở đòi hỏi Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sử dụng năng lượng và vận chuyển, chuyển sang sử dụng các phương tiện mới hơn, sạch hơn và quản lý chất thải tốt hơn như giảm việc đốt rơm rạ và rác thải ngoài trời. Do nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí ngoài trời cũng là nguồn phát thải carbon, việc giảm ô nhiễm không khí cũng như giảm các tác nhân và tác động của biến đổi khí hậu phải đi đôi với nhau, như một phần trong cách tiếp cận hợp lý để phát triển bền vững.
Tại nhiều khu vực, nhiều gia đình có thói quen nấu ăn bằng bếp lửa trong nhà, thường là trong không gian nhỏ, hạn chế. Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố môi trường khác như khói thuốc lá, nuôi thú cưng trong nhà và bụi từ giường và quần áo, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, với nhiều trong số đó là các căn bệnh đe dọa đến tính mạng.
Một vấn đề đóng vai trò quan trọng khác trong việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà là thay đổi về mặt xã hội và hành vi. UNICEF hợp tác với các nhân viên y tế cộng đồng và các nhà lãnh đạo để giáo dục các hộ gia đình về các bước họ có thể thực hiện để bảo vệ con em mình khỏi ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, phải kể đến một số khuyến nghị đơn giản như sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch hơn để nấu ăn và sưởi ấm nhà cửa, đảm bảo khu vực nấu ăn được thông gió tốt, tránh xa trẻ em và phụ nữ mang thai khỏi bếp lửa và tránh hút thuốc lá trong nhà.
Những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi đã mang lại tiến triển. Theo báo cáo của State of Global Air 2024, tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đã giảm 53% kể từ năm 2000 thông qua các hành động mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng sạch, nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí trong nhà và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo đánh giá của UNICEF, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu hành động đầy tham vọng về biến đổi khí hậu, điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế đã công bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhằm mục đích giải phóng nguồn tài chính để hỗ trợ đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Mới đây, Việt Nam cũng đã gia nhập Liên minh hành động về biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO.
Những hành động cùng những cam kết này của Việt Nam đã phát đi một tín hiệu quan trọng rằng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để chúng ta hành động nhiều hơn hơn nữa. Bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu không khí mà chúng ta hít thở không chỉ cần tới những chính sách ở tầm vĩ mô mà xuất phát từ những hành vi đơn giản nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống hàng ngày của chính mỗi cá nhân chúng ta./.
Một số khuyến nghị của WHO về các chính sách giúp giảm ô nhiễm không khí:
Đối với ngành công nghiệp: Công nghệ sạch giúp giảm khí thải từ ống khói công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu giữ khí mê-tan thải ra từ các bãi rác thải thay thế cho việc đốt (để sử dụng làm khí sinh học);
Đối với năng lượng: Đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch giá cả phải chăng cho hộ gia đình để nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng;
Đối với với hoạt động giao thông: Chuyển sang các phương thức phát điện sạch; ưu tiên mạng lưới giao thông đô thị nhanh chóng, mạng lưới đi bộ và đạp xe trong thành phố cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt liên đô thị; chuyển sang các loại xe chạy bằng dầu diesel hạng nặng sạch hơn và các loại xe và nhiên liệu ít phát thải, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn;
Đối với quy hoạch đô thị: Cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và làm cho các thành phố xanh hơn và nhỏ gọn hơn, do đó tiết kiệm năng lượng hơn;
Đối với sản xuất điện: Tăng cường sử dụng nhiên liệu phát thải thấp và các nguồn điện tái tạo không đốt cháy (như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện); đồng phát nhiệt và điện; và sản xuất năng lượng phân tán (ví dụ: lưới điện mini và sản xuất điện mặt trời trên mái nhà);
Đối với quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp: Các chiến lược giảm thiểu chất thải, phân loại chất thải, tái chế và tái sử dụng hoặc xử lý lại chất thải, cũng như các phương pháp quản lý chất thải sinh học được cải thiện như tiêu hóa chất thải kỵ khí để sản xuất khí sinh học, là các giải pháp thay thế khả thi, chi phí thấp cho việc đốt chất thải rắn ngoài trời - khi việc đốt là không thể tránh khỏi, thì các công nghệ đốt có kiểm soát khí thải nghiêm ngặt đóng vai trò quan trọng;
Đối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe: Đưa các dịch vụ y tế vào con đường phát triển ít carbon có thể hỗ trợ cung cấp dịch vụ có khả năng phục hồi và hiệu quả hơn về chi phí, cùng với việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe môi trường cho bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng. Khi hỗ trợ các chính sách thân thiện với khí hậu, ngành Y tế có thể thể hiện vai trò lãnh đạo của công chúng, đồng thời cải thiện việc cung cấp dịch vụ y tế.
|