Khởi động đàm phán Brexit và lối ra không dễ kiếm tìm

Thứ năm, 15/06/2017 10:31
(ĐCSVN) - Các cuộc đàm phán Brexit dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 19/6, cùng ngày Nữ hoàng Anh có bài diễn văn về chương trình chính sách cho Quốc hội mới. Chỉ đến lúc đó, sự ủng hộ của đa số nghị sĩ cho chính sách của Thủ tướng Anh Theresa May mới được ngã ngũ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Áp lực bên trong...

Ngày 29/3/2017, chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình Brexit. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mà bà Theresa May kêu gọi vào ngày 8/6 vừa qua nhằm gia tăng sức mạnh của đảng Bảo thủ cầm quyền trong quá trình thương lượng Brexit đã phản tác dụng nghiêm trọng.

Kết quả ngoài dự đoán của cuộc bầu cử Hạ viện đã giáng "một đòn đau" vào uy tín của Thủ tướng Theresa May và đảng Bảo thủ cầm quyền. Đây được coi là bước “thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, dù chỉ về thứ hai, song Công đảng lại giành thắng lợi lớn với việc tăng thêm hơn 30 ghế.

Mặc dù kết quả cuộc tổng tuyển cử là một thất bại đối với chính phủ của bà Theresa May, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không đảo ngược quyết định của nước Anh về vấn đề Brexit. Hơn nữa, các đảng phái chính trị tại Anh, dù là Đảng Bảo thủ hay Công đảng, cũng đều coi vấn đề Brexit là "việc đã rồi" và khả năng lật ngược quyết định đó là "không thể xảy ra". Tuy nhiên, kết quả này có thể sẽ có các tác động nhất định đến tiến trình đàm phán Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu, trước mắt là về tiến độ.

Ngày 13/6, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Thủ tướng Theresa May, ngoài việc bác bỏ những lo ngại về khả năng trì hoãn Brexit sau khi đảng Bào thủ của bà mất đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 9/6 vừa qua, bà nhấn mạnh lịch trình Brexit sẽ không thay đổi và các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào tuần sau. Bà nói: "Chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận vì cả lợi ích của nước Anh nói riêng và của 27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu nói chung".

Dưới con mắt của giới quan sát, Thủ tướng Theresa May sẽ là người “cực kỳ khó tính” trong các cuộc đàm phán chia tách sắp tới giữa Anh và Liên minh châu Âu và các cử tri Anh cũng có thể khó tính không kém về vấn đề này.

Trong khi bà Theresa May giữ vững quan điểm về một Brexit “cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan châu Âu và hạn chế người nhập cư từ châu Âu, thì phần lớn người dân Anh giờ đây chấp nhận Brexit như một thực tế cuộc sống và muốn có “cả chì lẫn chài”. Khoảng 90% người dân muốn ở lại thị trường chung và khoảng 70% muốn siết chặt biên giới. Hai mong muốn này có tính loại trừ lẫn nhau đối với Liên minh châu Âu và các quan chức của liên minh đã nhiều lần làm rõ điều này: Hoặc Vương quốc Anh vẫn ở lại thị trường chung và chấp nhận sự tự do đi lại, hoặc nước này rời khỏi thị trường chung và lấy lại quyền kiểm soát về nhập cư.

Câu hỏi chính sẽ là liệu đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục phiên bản Brexit "cứng", tức là một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu nằm ngoài thị trường chung và không có việc đi lại tự do cho người lao động hoặc sẽ phải xem xét một Brexit "mềm hơn", có thể vẫn nằm trong thị trường chung để được các đảng khác ủng hộ? Bên cạnh đó, vẫn luôn tồn tại khả năng diễn ra một cuộc tổng tuyển cử lần hai, tuy nhiên London sẽ lại mất thêm thời gian và trì hoãn các thảo luận về Brexit. Liệu Anh có thể ngừng lại Điều khoản 50 về Brexit đang được tính cho đến khi Anh tự động ra khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019. Câu trả lời là “sẽ khó nhưng cũng có thể”, tuy nhiên điều này đòi hỏi thỏa thuận của toàn bộ 27 thành viên khác của Liên minh châu Âu, và họ sẽ đòi một “giá cao”. Hãng tin AFP dẫn lời Giáo sư Tony Travers ở Trường Kinh tế London (Anh) nói: "Việc xảy ra hoàn toàn ngược lại với mục đích của bà Theresa May khi bà tổ chức bầu cử sớm. Giờ đây, bà ấy phải bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit ở thế yếu hơn".

Một nghịch lý là nếu như trước thời điểm bỏ phiếu, nhiều người có cảm giác rằng Brexit không còn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Anh nữa, mà thay vào đó là các vấn đề như an sinh xã hội hay an ninh của đất nước sau khi trải qua một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu chỉ trong một thời gian ngắn, thì đến thời điểm bỏ phiếu lại cho thấy, vấn đề Brexit luôn ở trong tâm trí của nhiều cử tri Anh. Rất nhiều người không đồng tình với những nhận định cho rằng, các vụ tấn công mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm đã gây ảnh hưởng tới lá phiếu của họ.

Những bất ổn về kinh tế cũng gây khá nhiều sức ép lên vấn đề đàm phán Brexit của Anh. Nền kinh tế Anh đang chững lại do căng thẳng và áp lực đối với thu nhập khi đồng bảng Anh sụt giá. Việc khôi phục lòng tin của giới kinh doanh là điều mà nền kinh tế này đang rất cần.

Những lo ngại về kinh tế đã khiến giới kinh doanh phải kêu gọi chính quyền Anh nỗ lực đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra một cách êm thấm, thể hiện quan điểm muốn Anh tiếp tục ở trong thị trường chung châu Âu và tuân thủ các quy định về thuế quan của liên minh. Ở lại liên minh thuế quan có nghĩa là chấp nhận quyền hạn xét xử của Tòa án Công lý châu Âu, tiếp tục chi trả các khoản đáng kể vào ngân sách Liên minh châu Âu, và từ bỏ cơ hội ký kết các thỏa thuận thương mại song phương độc lập, đồng thời không thể gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận thương mại của Liên minh châu Âu trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Theresa May cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng của bà yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn. Bản thân bà Theresa May cũng đã thừa nhận với các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội rằng cần một sự đồng thuận rộng rãi hơn về chiến lược đàm phán Brexit.

Sức ép bên ngoài

Trong diễn biến mới nhất ngày 13/6/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một số quy định mới có thể dẫn đến việc dịch chuyển về lục địa châu Âu một phần các hoạt động của Trung tâm tài chính London sau khi Anh hoàn thành kế hoạch Brexit. Thực tế trong một số trường hợp, các quy định trên tạo cho Liên minh châu Âu khả năng từ chối việc Anh đòi quyền giữ lại trên lãnh thổ của họ những công ty thanh toán bù bằng đồng euro.

EC giải thích do đối mặt với sự ra đi của trung tâm tài chính lớn nhất Liên minh châu Âu nên Liên minh cần có một số thay đổi để đảm bảo các nỗ lực mà họ đang thực hiện sẽ đi đúng hướng. Mục đích của việc đề xuất các quy tắc mới là nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính chứ không phải là ý định dịch chuyển các hoạt động một cách tùy tiện.

Đây không phải là động thái đầu tiên cho thấy Liên minh châu Âu tỏ ra cứng rắn và mất kiên nhẫn trước tình trạng không chắc chắn của phía Anh trong cuộc đàm phán Brexit sắp tới.

Theo trang mạng theguardian.com, trong một dấu hiệu cho thấy sự mất kiên nhẫn ngày một tăng trước tình trạng hỗn loạn của phía Anh trong cuộc đàm phán sắp tới về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu tuyên bố nếu London vẫn khăng khăng bàn về thỏa thuận thương mại tự do trước khi các vấn đề trong “thỏa thuận ly hôn”, như các quyền của công dân và đường biên giới ở Cộng hòa Ireland được giải quyết thích đáng, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn.

Một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu nhấn mạnh: “Nếu họ không chấp nhận các cuộc đàm phán theo từng giai đoạn, chúng tôi sẽ cần tới một năm để vạch ra các đường hướng đàm phán mới cho người phụ trách đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier”. Lãnh đạo của 27 thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí giao một số nhiệm vụ cụ thể cho ông Barnier tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hồi tháng 4/2017 và họ không có ý định xem xét lại cái gọi là cách tiếp cận theo từng giai đoạn khi họ gặp gỡ Thủ tướng Anh Theresa May tại một hội nghị của Liên minh châu Âu vào ngày 22-23/6 tới.

Liên minh châu Âu đang nôn nóng khởi động tiến trình đàm phán và đã đưa ra các ý định cụ thể về quy trình triển khai, nhưng những xáo trộn tại Quốc hội Anh đã khiến mọi thứ có thể chậm lại. Việc tranh cãi về quy trình thủ tục có thể sẽ thể sẽ xảy ra trong khi thời gian đàm phán không còn nhiều dẫn tới sự xáo trộn kinh tế lên mức đỉnh điểm và sự buộc tội lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm - một hậu quả không chỉ kinh hoàng với Anh mà còn vô cùng rắc rối với Liên minh châu Âu.

Các lối ra không hề đơn giản

Các cuộc đàm phán về Brexit đang đứng trước nhiều ngã rẽ quan trọng, và việc lựa chọn hướng đi nào sẽ quyết định kết quả tiến trình này. Dưới đây là các kịch bản Brexit có thể xảy ra:

Brexit cứng diễn ra suôn sẻ

Với viễn cảnh lý tưởng này, cuộc chia tay sơ bộ sẽ diễn ra vào cuối năm nay, được nhất trí hoàn toàn vào cuối năm 2018, được các nghị sĩ phê chuẩn vào tháng 3/2019 và sẽ mất vài năm để chuyển tiếp sang một hiệp ước mới.

Brexit cứng không đạt được thỏa thuận

Thủ tướng Anh từng nói rằng “không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi”. Liên minh châu Âu hiện ngày càng lo ngại rằng cả hai bên có thể đang tự trói buộc mình, khi mà thời hạn còn rất ít.

Mặc dù không bên đàm phán nào muốn xảy ra tình trạng lập lờ gây lộn xộn, song một sự đổ vỡ có thể đẩy hai bên rơi vào tình thế hỗn loạn không mong muốn vào phút cuối.

Không Brexit

Một năm trước, 48% người Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu, trong đó có đa số các nghị sĩ thuộc các đảng lớn, đa số người Scotland và Bắc Ireland. Một số vẫn còn nuôi hi vọng về một tiến trình Brexit đảo ngược. Tuy nhiên, hi vọng đó xem ra lạc lõng khi cả hai đảng lớn của Anh giờ chấp nhận Brexit, và Liên minh châu Âu cũng vậy.

Bề ngoài, các lãnh đạo Liên minh châu Âu khẳng định rằng họ muốn Anh không ra đi. Tuy nhiên, có quan điểm cho là Liên minh sẽ yên ổn hơn khi không có một thành viên lớn mà lúc nào cũng tỏ ra thờ ơ và giờ lại đang bị chia rẽ tới mức không còn thể trông đợi được nữa.

Brexit muộn

Các rối loạn chính trị ở Anh đã làm nảy sinh những lời kêu gọi thêm thời gian đàm phán, có thể về các vấn đề khác mà bà Theresa May đã đề xuất. Điều khoản 50 cho phép kéo dài thời hạn hai năm ra đi nếu các nước thành viên khác đều nhất trí. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu sẽ ngần ngại đưa ra một vấn đề gây bất đồng giữa họ và muốn Anh ra đi trước khi diễn ra bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019.

Brexit của người Anh

Chính phủ Scotland muốn một thỏa thuận đặc biệt để ở lại khối thị trường chung, hoặc nếu không thì sẽ ly khai và ở lại hoặc tái gia nhập Liên minh châu Âu. Ủy viên Liên minh châu Âu của Ireland thì tán thành ý tưởng giữ Bắc Ireland ở trong liên minh thuế quan Liên minh châu Âu. Các đồng minh của bà Theresa May ở khu vực này cũng muốn tránh một đường biên giới cứng.

Ở Ireland, viễn cảnh tương tự xem ra cũng khá phức tạp nếu không đặt ra một hình thức rào cản thương mại nào đó giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh.

Brexit mềm     

Điều này có thể là vấn đề tranh cãi chính trong những tháng tới. Nhiều người phản đối Brexit cho rằng nếu tiếp tục, Anh nên ít ra vẫn ở lại trong khối thị trường chung vì vấn đề việc làm và thương mai. Tuy nhiên, theo giới phân tích, thúc đẩy Brexit mềm thay cho Brexit cứng xem ra càng làm tăng nguy cơ thay thế một Brexit suôn sẻ bằng một Brexit chật vật./.

Vũ Cân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực