Kinh tế châu Âu suy giảm kỷ lục do COVID-19

Thứ hai, 03/08/2020 16:05
(ĐCSVN) – Các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào suy thoái sau khi ghi nhận mức suy giảm kỷ lục 11,9% trong quý II/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây được coi là mức giảm theo quý tồi tệ nhất sau khi EU ghi nhận GDP của khối giảm 3,2 trong quý I/2020.
Khu vực Eurozone trong quý II/2020 ghi nhận mức suy giảm kỷ lục 12,1%. (Ảnh: dw.com) 

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý II của EU được ghi nhận giảm 14,4%. Trong khi đó tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, GDP quý II cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh gần đây cho thấy, dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, một đợt virus mới có nguy cơ bùng phát trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đức, Viện Robert Koch cảnh báo, sự gia tăng các ca nhiễm mới gần đây là “rất đáng lo ngại”. Tại Pháp, các ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận đã quay trở lại ở mức tương đương so với thời điểm hồi đầu tháng 5. Tây Ban Nha và Italy cũng ghi nhận tiếp tục gia tăng các ca nhiễm mới trong những ngày qua.

Kinh tế EU ghi nhận quý giảm tồi tệ nhất

Liên minh châu Âu bao gồm 27 nước thành viên đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 11,9% trong quý II/2020 so với quý trước đó. Anh gần đây đã ra lệnh tái áp đặt các biện pháp cách ly đối với những người đến từ Tây Ban Nha, một động thái được cho sẽ làm chậm lại đà phục hồi của ngành công nghiệp du lịch nước này.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu được ghi nhận mức giảm ít hơn so với các nước lớn khác thuộc Liên minh trong quý II. Tuy nhiên, quốc gia này cũng ghi nhận GDP sụt giảm 10,1% - mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê GDP theo quý từ năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Pháp, Italy và Tây Ban Nha là các quốc gia bị tác động nặng nề hơn vì đại dịch so với các quốc gia khác trong khu khi ghi nhận mức giảm trong quý II lần lượt là 13,8%; 12,4% và 18,5%. Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha ghi nhận giảm 14,1%, Bỉ 12,2% và Áo 10,7%.

Kinh tế nhiều nước châu Âu suy giảm chưa từng có

Với mức giảm 18,5%, Tây Ban Nha là quốc gia bị sụt giảm mạnh nhất trong số các nước thành viên EU trong quý II. Đây được cho là cách biệt khá đáng kể so với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực. Chuyên gia kinh tế cao cấp của ING Bert Colijin dự đoán, nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ còn tiếp tục suy giảm trong khoảng thời gian dài.

Với mức giảm 10,1% trong quý II, Chính phủ Đức dự báo nước này sẽ còn phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Trước đó, Chính phủ Đức dự báo GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 6,3%. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, kinh tế Đức đã giảm 5,7%.

Mức giảm 13,8% của Pháp vẫn khả quan hơn mức dự báo do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) đưa ra vào giữa tháng 6 là giảm 17%, còn Ngân hàng Trung ương Pháp đã ước tính mức giảm này là 14% vào đầu tháng 7.

Bên cạnh đó, theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bao gồm 19 quốc gia thành viên trong quý II/2020 cũng ghi nhận mức suy giảm kỷ lục 12,1% so với quý trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu kể từ năm 1995. Nền kinh tế Eurozone trước đó suy giảm 3,6% trong quý I/2020. Trong đó, GDP của Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều giảm hơn 5%. Trong khi đó, nền kinh tế toàn bộ EU được ghi nhận giảm 3,2% trong quý I/2020.

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu ÂU (EC), nền kinh tế EU sẽ suy giảm 8,3% trong cả năm 2020 trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa sẽ tiếp tục được nới lỏng và nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh  khiến các quốc gia tiếp tục phải áp đặt các biện pháp phong tỏa trên quy mô lớn sẽ không xảy ra.

Như vậy với 2 quý suy giảm GDP liên tiếp, nền kinh tế Eurozone đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật. Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế của EU cho hay đại dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng chưa từng có đối với tất cả các quốc gia châu Âu.

Tổ chức tư vấn Eurostat cho biết, lạm phát tại châu Âu ở mức 0,4% trong tháng 7/2020, thấp hơn mục tiêu 2% bất chấp mức lãi suất âm và hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm cứu trợ các nền kinh tế bị ảnh hưởng mới được thông qua.

Trước đó, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hâu trị giá 750 tỷ Euro (888 tỷ USD) để tái thiết các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng COVID-19. Theo kế hoạch, gói cứu trợ này sẽ bao gồm 500 tỷ EUR (564 tỷ USD) dưới dạng viện trợ và 250 tỷ EUR (282 tỷ USD) cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế do những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức suy giảm kỷ lục được ghi nhận tại nhiều nước châu Âu là do các quốc gia đã thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, yêu cầu đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp trong khoảng thời gian dài, trừ các doanh nghiệp thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến các nền kinh tế./.

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực