Xe quân sự Mỹ từ miền Bắc Iraq di chuyển qua thành phố Qamishli, miền Đông Bắc Syria.
(Ảnh: AFP/TTXVN) Từ diễn biến mau lẹ…
Cuộc chiến tại Syria đang đi vào giai đoạn cuối, thì bất ngờ, ngày 7/10, Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định rút toàn bộ cố vấn quân sự và đặc nhiệm đang hỗ trợ dân quân người Kurd ở Syria, làm cho cuộc chiến tại đây chuyển sang ngã rẽ mới.
Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”, nhằm truy kích người Kurd ở Syria - tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Quân đội Nga và Quân đội Syria tiếp quản các vị trí ở thành phố chiến lược Manbij và khu vực xung quanh, theo yêu cầu của lực lượng vũ trang người Kurd sau khi Mỹ rút quân.
Ngày 17/10, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng chiến dịch quân sự, lực lượng người Kurd cũng như YPG và SDF ngừng bắn. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp đặt thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào với Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ rút lại tất cả các đòn trừng phạt kinh tế.
Ngày 22/10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ quy định về việc đưa quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria tới vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện cho người Kurd rút quân cách biên giới 30 km trong vòng 150 giờ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng tuần tra sâu 10 km từ biên giới về phía Tây và phía Đông của khu vực chiến dịch Mùa xuân hòa bình, ngoại trừ thành phố Qamishli ở tỉnh al-Hasakah.
Mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn, nhưng trên thực địa cho tới những ngày cuối tháng 10, những cuộc giao tranh giữa lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gần thị trấn Ras al-Ayn vẫn diễn ra ngày một quyết liệt hơn. Ankara trước đó chủ yếu hỗ trợ hỏa lực bằng pháo binh và không quân từ xa, nhưng nay xe tăng nước này đã trực tiếp giao chiến. Không loại trừ khả năng bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức vào cuộc.
Trong khi đó, theo tuyên bố chính thức của nhóm khủng bố IS, các tay súng của họ đã đánh bom vào đoàn xe của quân đội Syria đang di chuyển qua thị trấn Khirbet Ghazaleh gần biên giới tỉnh Al-Sweida. Quân đội Syria đã nỗ lực ngăn các cuộc tấn công bằng việc triển khai thêm nhiều binh lính tới mặt trận ở Nam Syria.
Đến cục diện thay đổi…
Tuyên bố rút quân khỏi Syria đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Nỗ lực đưa nước Mỹ ra khỏi “cuộc chiến không hồi kết” như lời ông Trump đã mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran, thậm chí là cả IS.
Các nhân vật cấp cao của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kịch liệt chỉ trích quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria. Lực lượng người Kurd tại Syria chỉ trích Mỹ quay lưng với các đồng minh. Iraq cũng không cho phép lính Mỹ rút từ Syria được đóng quân trên lãnh thổ của mình. Lãnh đạo các quốc gia từ châu Âu đến Nhật Bản đã phải tính đến những phương án cho riêng mình khi sự bảo đảm về an ninh của Mỹ có xu hướng lỏng lẻo hơn.
Sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông càng tô đậm thêm thắng lợi của Nga. Moscow đang nổi lên như một nhân tố quan trọng điều phối tình hình khu vực. Nhà phân tích chính trị Ali Demidras nhận xét: “Thoả thuận Sochi củng cố sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, đồng thời giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ ở nước này”.
Không chỉ ở Syria, Nga vươn tầm ảnh hưởng khắp Trung Đông. Tổng thống Nga Putin vừa có chuyến thăm tới hai quốc gia vùng Vịnh Saudi Arabia và UAE. Đồng thời thiết lập được mối quan hệ gần gũi với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia chủ chốt ở khu vực này như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi…
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là giành thắng lợi và củng cố vị thế của mình tại Trung Đông. Các thỏa thuận của Ankara với Mỹ và với Nga giúp họ kết thúc một chiến dịch, hoàn thành mục tiêu thiết lập “vùng an toàn” trên lãnh thổ Syria và tiếp tục triển khai quân tại khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được Washington dỡ bỏ biện pháp trừng phạt.
Sự thay đổi nhanh chóng của tình hình giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad dần củng cố quyền lực, nâng cao vị thế và Syria đứng trước thời cơ lớn để chấm dứt cuộc nội chiến. Quân đội Syria đã thiết lập quyền kiểm soát ở hàng loạt các thành phố, thị trấn quan trọng mà không phải tốn nhiều công sức.
Đối với người Kurd, sự thay đổi cục diện tại Syria lại đang gây bất lợi cho họ. Các binh sĩ người Kurd thuộc SDF sẽ phải rút khỏi các vị trí ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tham vọng tự trị của người Kurd ở Syria chỉ còn le lói nhờ những thỏa thuận tiếp theo giữa các nước lớn.
Và “chặng đường còn dài”
Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneve, Thụy Sỹ, đã diễn ra đánh dấu “chương mới” cho Syria song quốc gia này vẫn còn chặng đường dài phía trước để tiến tới hòa bình.
Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc một chiến dịch, hoàn thành việc thiết lập “vùng an toàn” trên lãnh thổ Syria, nhưng dường như Ankara vẫn muốn chiếm giữ thêm một phần nữa của lãnh thổ Syria. Trong khi đó, Syria coi sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc nước này là hành vi xâm phạm chủ quyền. Lực lượng người Kurd ở Syria cũng không chấp nhận việc chiếm đóng này.
Mặc dù tuyên bố rút hết quân tại Syria, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn duy trì một lực lượng nhỏ quân đội tại đây nhằm “đảm bảo an toàn cho các mỏ dầu” theo yêu cầu của Israel và Jordan. Các chuyên gia cho rằng, Washington nắm giữ dầu mỏ và sẽ sử dụng chúng làm điều kiện trao đổi để buộc Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột Syria, như lời Tổng thống Trump “Mỹ cũng nên có phần của mình”.
Trong khi đó, nội bộ Syria cũng còn nhiều bất đồng, chẳng hạn chính phủ Syria muốn người Kurd gia nhập lực lượng vũ trang của nước này và hợp nhất lực lượng an ninh Asayesh của SDF vào cơ quan an ninh trong nước của chính phủ. Tuy nhiên, SDF lại muốn tính riêng biệt trong những khu vực mà họ hiện diện trong việc trở thành một phần của hệ thống quốc phòng Syria.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria, những quan điểm khác biệt cũng như sự thiếu niềm tin giữa phe đối lập và chính phủ Syria đã bộc lộ. Chính phủ Tổng thống Asad lên án “sự chiếm đóng đất đai”, ngầm chỉ trích phe đối lập và một số lực lượng nước ngoài đi ngược lại luật pháp quốc tế, vi phạm hiến chương Liên hợp quốc, đe dọa tiến trình chính trị ở Syria.
Đại diện của phe đối lập Hadi al-Bahra cho rằng, 65% lãnh thổ Syria đã bị hủy hoại do chiến tranh và đã đến lúc đặt công lý, hòa bình lên trên, mà không quan trọng bên nào giành thắng lợi trong cuộc nội chiến. Phe đối lập và chính phủ thậm chí còn không bắt tay nhau khi kết thúc buổi lễ ra mắt.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen thừa nhận, dù đã thành lập được Ủy ban Hiến pháp với đại diện các phe phái nhưng các bên vẫn còn quá nhiều khác biệt. Vì thế, “con đường phía trước sẽ không dễ dàng”. Tuy nhiên, việc ra mắt Ủy ban Hiến pháp là bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới hòa hợp chính trị ở Syria./.