Từ căng thẳng quan hệ…
Các động thái làm “tăng nhiệt” trong quan hệ giữa các nước liên tục diễn ra trong thời gian gần đây, từ quan hệ giữa Mỹ - Iran, Mỹ - Venezuel, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đến quan hệ giữa Nga với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO)...
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran liên quan đến thỏa thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran (JCPOA). Mỹ đã rút khỏi JCPOA năm 2018 và khôi phục lệnh cấm vận nhằm vào Iran. Tổng thống Mỹ D. Trump liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố nước ngoài. Iran cũng đã liệt Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách miền Trung (CENTCOM) là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Ngày 8/5, Iran tuyên bố sẽ rút một phần khỏi thoả thuận hạt nhân Iran mà nước này ký với nhóm các cường quốc P5+1, đồng thời ra tối hậu thư 60 ngày, nếu không được đáp ứng yêu cầu sẽ tăng mức độ làm giàu uranium. Mặc dù ngày 9/5 Tổng thống Trump đã đưa ra điều kiện để đối thoại trực tiếp với Iran, nhưng Tehran khẳng định kiên quyết không đối thoại với Mỹ.
Khủng hoảng chính trị Venezuela tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ - Venezuela thêm căng thẳng, đặc biệt là sau khi phe đối lập thực hiện cuộc đảo chính nhưng bất thành. Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính để gây sức ép đối với chính quyền Maduro. Tổng thống Maduro gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “bất hợp pháp và vô đạo đức”. Ngoại trưởng Venezuela khẳng định nước này chuẩn bị cho mọi kịch bản và có đủ lực lượng đối phó hành động quân sự của Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầy sóng gió khi Ankara bảo vệ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, trước sự phản đối mạnh mẽ từ phía Washington. Hai nước còn có những bất đồng liên quan lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng này là tổ chức khủng bố.
Quan hệ Nga - NATO cũng đổ vỡ, Nga tuyên bố việc hợp tác với khối này cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự đều đã chấm dứt hoàn toàn. NATO cũng đã từng tuyên bố chấm dứt hợp tác với Nga sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga và tăng cường tiến hành các cuộc tập trận.
Đến đe dọa lẫn nhau…
Không chỉ tuyên bố cứng rắn, Mỹ còn triển khai lực lượng quân sự đến khu vực xung quanh Iran. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52, cùng một tàu đổ bộ tấn công và một khẩu đội tên lửa Patriot đến Trung Đông để ứng phó “mối đe dọa” từ Iran.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. Ảnh: US Navy
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng được cho là đang điều động nhiều tên lửa đến khu vực bờ biển hướng ra eo biển Hormuz. Một quan chức Mỹ ngày 7/5 dựa trên thông tin tình báo cho biết, Iran đã di chuyển các tên lửa tầm ngắn bằng xuồng ra vùng biển ngoài khơi nước này. Theo trang Axios, Israel cung cấp thông tin Iran “đang âm mưu tấn công” nhắm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại vùng Vịnh.
Trước đó, Iran đã cảnh báo sẽ phong tỏa eo biển Hormuz để trả đũa các động thái của Mỹ. Iran sẽ liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga chống trừng phạt của Mỹ, thông qua một cơ chế tương tự như cơ chế INSTEX của châu Âu nhằm tránh trừng phạt của Mỹ, với sự tham gia của một số nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Lầu Năm Góc sẽ triển khai tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort trong tháng 6 tới để thực hiện sứ mệnh nhân đạo kéo dài 5 tháng tại vùng Caribbean, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, hành động quân sự của Mỹ đối với Venezuela cũng không loại trừ khi ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng Tổng thống Mỹ có toàn quyền hành động và dùng phương án quân sự với Venezuela mà không cần quốc hội phê chuẩn.
Và rút khỏi các hiệp ước về vũ khí
Các hiệp ước về vũ khí vốn là “lá chắn” ngăn chặn các cuộc đối đầu hạt nhân, cũng như điều chỉnh dòng vũ khí vào các khu vực xung đột. Tuy nhiên gần đây, việc rút khỏi các Hiệp ước vũ khí gần như là một “xu hướng” đối với một số nước lớn, đặt an ninh quốc tế vào tình huống nguy hiểm hơn.
Ngày 2/2, Tổng thống Trump tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) và chính thức tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước trong 6 tháng. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố rằng Nga cũng sẽ chính thức đình chỉ các nghĩa vụ theo Hiệp ước và ngày 4/3, ông Putin đã ký sắc lệnh này.
Mỹ và Nga đều mong muốn có một Hiệp ước mới đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ý không muốn tham gia một hiệp ước INF đa phương, bởi hiện nay Trung Quốc đang bị thất thế so với Mỹ và Nga. Nếu gia nhập INF mới, Trung Quốc sẽ gần như chẳng còn phương tiện nào đủ sức duy trì ưu thế quân sự của mình trước các đối thủ trong khu vực.
Ngay cả Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) của Liên hợp quốc, được ký từ năm 2013 nhằm điều chỉnh dòng vũ khí vào các khu vực xung đột, cũng bị Mỹ tuyên bố rút khỏi, Nga, Trung Quốc cũng không tham gia Hiệp ước.
Tổng thống Mỹ D. Trump gọi Hiệp ước đó là xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Ngày 26/4, trong bài phát biểu trước Hiệp hội Súng trường Quốc gia ở Indianapolis, ông Trump nhắc đến ATT của Liên hợp quốc đã được chính quyền Obama ký nhưng không được quốc hội phê chuẩn.
Nga từ chối tham gia ATT vì cho rằng văn kiện này “quá yếu ớt và còn nhiều sai sót”. Ngoài ra, các tiêu chuẩn của hiệp ước cũng ở mức thấp so với yêu cầu từ hệ thống hợp tác công nghệ quân sự của nước này.
Như vậy, những căng thẳng trong quan hệ, động thái đe dọa lẫn nhau và xu hướng rút khỏi các hiệp ước quốc tế ngày càng gia tăng giữa một số nước. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu, thậm chí xung đột vũ trang, đặt an ninh khu vực và toàn cầu trước viễn cảnh nhiều rủi ro hơn. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng Liên hợp quốc cần sớm có các quyết sách nhằm hóa giải những nguy cơ bất ổn về an ninh quân sự toàn cầu./.