Gia đình, một cuộc sống lành mạnh và một tương lai bền vững

Chủ nhật, 15/05/2016 14:55
(ĐCSVN) – Được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua ngày 20/9/1993, Ngày Quốc tế Gia đình (15/5) là một cơ hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và các quá trình xã hội, kinh tế, nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình.

Các gia đình giữ một vai trò quan trọng trong sức khỏe và phúc lợi của trẻ em (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)

Thực tế trong những năm qua, Ngày Quốc tế Gia đình đã truyền cảm hứng cho một loạt các hành động nhằm nâng cao nhận thức về gia đình, đặc biệt là ở cấp quốc gia. Tại nhiều nước, ngày này là một cơ hội để làm nổi bật các điểm khác nhau về lợi ích và tầm quan trọng đối với các gia đình. Nhiều hoạt động hưởng ứng được tổ chức như: Các hội thảo, hội nghị, các chương trình phát thanh và truyền hình, cũng như các chương trình văn hóa liên quan đến những vấn đề xoay quanh nội dung gia đình.

Nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Liên hợp quốc ngày càng quan tâm tới các vấn đề tác động tới gia đình. Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề và nhu cầu của gia đình cũng như các phương tiện hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó".

Ngày 29/5/1985, trong Nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự một mục mang tên "Các gia đình trong quá trình phát triển" nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.

Sau đó, ngày 7/12/1987, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 30 và cũng của chính Ủy ban này tại phiên họp chính thức đầu tiên năm 1987 (Nghị quyết 1987/42 ngày 28/5/1987), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi “tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình”. Đại hội đồng cũng yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc “công bố, tại phiên họp thứ 43, một bản báo cáo chi tiết, xây dựng dựa trên các đánh giá và đề xuất của các chính phủ thành viên, liên quan đến việc kỷ niệm một năm quốc tế gia đình và các phương tiện khác để cải thiện tình hình và vật chất của gia đình và nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nỗ lực chung của thế giới nhằm ủng hộ các tiến bộ và sự phát triển trong lĩnh vực xã hội”.

Ngày 9/12/1989, thông qua Nghị quyết 44/82, Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố năm 1994 là "Năm Quốc tế Gia đình".

Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 47/237, đã quyết định lấy ngày 15/5 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.

Ngày Quốc tế Gia đình là cơ hội để hiểu rõ hơn những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt và khuyến khích các sáng kiến ​​thích hợp. Ngày kỷ niệm này cũng có thể trở thành một nhân tố mạnh mẽ huy động sự tham gia của tất cả các quốc gia nhằm tìm cách ứng phó với những vấn đề đặt ra đối với các gia đình trong mỗi xã hội. Ngày Quốc tế Gia đình cũng là một cơ hội để làm nổi bật tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống với chất lượng tốt hơn.

Gia đình, một cuộc sống lành mạnh và một tương lai bền vững

Các mục tiêu trọng tâm của chương trình phát triển cho năm 2030 được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua tập trung vào phát triển bền vững để xóa đói giảm nghèo. Những mục tiêu này thúc đẩy việc chia sẻ sự thịnh vượng kinh tế, phát triển xã hội và phúc lợi của các cá nhân, đồng thời bảo vệ môi trường. Trong đó, không thể phủ nhận rằng gia đình chính là trung tâm của đời sống xã hội vì nó đặc biệt bảo đảm phúc lợi cho các thành viên, giáo dục và xã hội hóa cho trẻ em hay chăm sóc cho thanh niên và người cao tuổi. Do đó, những chính sách tập trung vào gia đình có thể góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan tới xóa đói giảm nghèo; bảo đảm một cuộc sống khỏe mạnh và giúp thúc đẩy sự thịnh vượng ở mọi lứa tuổi; cũng như bảo đảm cơ hội học tập suốt đời và thực hiện bình đẳng giới.

Với chủ đề: “Gia đình, một cuộc sống lành mạnh và một tương lai bền vững”, Ngày Quốc tế Gia đình năm nay (15/5/2016) tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững thứ 3: “Cho phép tất cả mọi người được sống với sức khỏe tốt và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Các gia đình giữ một vai trò quan trọng trong sức khỏe và phúc lợi của trẻ em. Các gia đình cũng có thể cải thiện điều kiện sức khỏe của trẻ thông qua việc cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ cần thiết về tinh thần, thăm khám y tế để phòng và chữa bệnh, tiêm phòng vaccine hay các hình thức điều trị thích hợp và kịp thời.

Ngày Quốc tế Gia đình, vì vậy, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và các chính sách hướng đến gia đình trong việc thúc đẩy lối sống lành mạnh cho một tương lai bền vững. Nhân ngày kỷ niệm này, các viện nghiên cứu và các chuyên gia y tế sẽ cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến môi trường gia đình, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, với mục tiêu cải thiện điều kiện sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình. Các cuộc thảo luận này cũng sẽ tập trung vào vai trò của cha mẹ trong phúc lợi của thanh niên, trẻ em và mối quan tâm đặc biệt sẽ nhằm vào vai trò của nam giới cũng như mối quan hệ giữa các thế hệ và hạnh phúc của người cao tuổi.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Gia đình năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lưu ý ngày kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh các gia đình trên khắp thế giới đang gặp nhiều bất ổn và bi kịch. Sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, những hậu quả từ tình trạng buộc phải di cư và thời tiết khắc nghiệt cùng nhiều vấn đề khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính toàn vẹn của các gia đình trong tình trạng khủng hoảng. Ngay cả trong những xã hội tương đối ổn định, các gia đình bị tác động bởi bạo lực, phân biệt đối xử và nghèo đói.

“Trẻ em phát triển mạnh khi chúng được yêu thương và có quyền truy cập vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác. Trong giai đoạn khó khăn của lứa tuổi vị thành niên, những người trẻ tuổi cần được hỗ trợ tinh thần cũng như thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản. Tỷ lệ tự tử trong giới trẻ đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và người chuyển giới hơn cao hơn đáng kể so với phần còn lại của dân số, vì vậy cần bảo đảm an toàn và hội nhập cho cộng đồng này như một vấn đề y tế cộng đồng” – ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong nhiều xã hội, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng bị phân biệt đối xử và bạo lực gia đình, trong đó những hậu quả đối với sức khỏe và phúc lợi của họ có thể nghiêm trọng và theo họ trong suốt cuộc đời. Cuộc sống gia đình cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của người lớn tuổi bởi nếu họ vẫn lao động và khỏe mạnh thì sẽ có nhiều đóng góp giá trị cho gia đình và cộng đồng.

Chính vì vậy, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, các chính phủ phải hỗ trợ vai trò cơ bản của tất cả các gia đình thuộc mọi thành phần, trong đó đặc biệt là bảo đảm quyền truy cập vào các dịch vụ sức khỏe sinh sản, để các bậc cha mẹ có thể có số con mà họ muốn, vào thời điểm phù hợp. Các dịch vụ sức khỏe bà mẹ và thai sản cũng rất cần thiết để cho phép bố mẹ có thể cho con cái của họ khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống, ngay từ khi sinh ra.

Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức và các đối tác khác cùng quan tâm tới cuộc sống gia đình. Các chính sách và pháp luật để thúc đẩy một môi trường gia đình có lợi cho sự phát triển và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể thực hiện dễ dàng hơn các trách nhiệm nuôi dạy con cái, để những đứa trẻ luôn được hạnh phúc và khỏe mạnh, trở thành những người lớn có các đóng góp có giá trị. “Đừng để bất cứ ai ra ngoài lề, đó là không có gia đình bên cạnh” – ông Ban nhấn mạnh.

Nhân Ngày Quốc tế Gia đình năm 2016, cộng đồng quốc tế hãy cùng quyết tâm hành động vì sự phát triển bền vững bằng cách tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong gia đình, bất kể tuổi tác, có thể nhận ra tiềm năng của chính bản thân mình và đóng một vai trò nhất định trong thế giới./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực