Nam Sudan: Bạo lực vẫn tiếp diễn khiến hàng nghìn người di cư

Thứ bảy, 09/01/2016 08:56
(ĐCSVN) – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 8/1 đã bày tỏ quan ngại về bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng ở bang Tây Equatoria (Nam Sudan) và những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây.

 

Người tị nạn Nam Sudan xếp hàng để nhận lương thực hỗ trợ tại Uganda (Ảnh: UNHCR)

Theo UNHCR, xung đột lại tiếp diễn giữa các nhóm vũ trang và binh sỹ của chính phủ ở gần Yambio, cách thủ đô Juba khoảng 300 km về phía tây.

Phát biểu trước báo giới ngày 8/1 tại Geneva, người phát ngôn UNHCR Adrian Edwards cho biết, tại địa phương nói trên đã xuất hiện những tiếng súng nổ, các vụ tấn công vào lực lượng chính phủ, cướp bóc nhà dân và các vụ bạo lực tình dục.

Phái bộ Liên hợp quốc ở Yambia đã thấy 200 ngôi nhà bị thiêu rụi ở Ikpiro và hàng trăm ngôi nhà khác bị cướp bóc. Người dân phải tá túc tại trung tâm của thị trấn hoặc di chuyển tới những ngôi làng gần đó.

Liên hợp quốc ước tính, số người mất nhà cửa ở Yambio và Tambura, thuộc bang Tây Equatoria là khoảng 15.000 người kể từ tháng 12/2015.

Bạo lực cũng khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và đi hàng trăm km theo hướng đông nam, tới nước láng giềng Uganda – nơi có tới 500 người tị nạn đăng ký xin tị nạn mỗi ngày. Ngoài bạo lực, những vụ mùa thất bại cũng là lý do để người dân phải ra đi.

Tháng trước, UNHCR cũng cho biết, xung đột giữa các nhóm địa phương ở Tây Equatoria đã khiến 4.000 người mất nhà cửa và phải lánh nạn ở khu vực xa xôi thuộc đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến tình hình an ninh – chính trị ở Nam Sudan, ngày 6/1, Chính phủ Nam Sudan, lực lượng vũ trang đối lập và các đảng phái chính trị khác đã nhất trí phân chia các vị trí chủ chốt trong chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc, kết thúc hơn hai năm nội chiến tại quốc gia non trẻ nhất thế giới.

Theo đó, lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir sẽ nắm giữ các ghế bộ trưởng về tài chính –  kế hoạch, quốc phòng –  cựu chiến binh, tư pháp –  hiến pháp, thông tin, công nghệ thông tin –  dịch vụ bưu điện, văn phòng tổng thống, thương mại –  công nghiệp, bảo tồn động vật –  du lịch, văn hóa, giáo dục… Phe đối lập sẽ nắm giữ các ghế bộ trưởng về dầu mỏ, tài nguyên nước, thủy lợi, lao động… Ông Reik Machar sẽ đảm nhận cương vị Phó Tổng thống trong chính phủ chuyển tiếp.

Nam Sudan rơi vào nội chiến và bạo lực đẫm máu từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội trung thành với Tổng thống Kiir và lực lượng đối lập của cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Tháng 8/2015, hai bên đã ký thỏa thuận hòa bình, qua đó chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 21 tháng tại quốc gia nhiều dầu mỏ này./.

Kiều Giang (theo UNHCR, Xinhua)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực