Ô nhiễm không khí do bụi mịn đã giảm ở châu Âu và Trung Quốc

Thứ năm, 05/09/2024 14:57
(ĐCSVN) – Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn đã giảm ở châu Âu và Trung Quốc vào năm ngoái khi lượng khí thải liên quan đến hoạt động của con người giảm xuống.
Biển báo chỉ giới hạn tốc độ 30 km/giờ tại khu vực phát thải thấp ở Ganshoren, Brussels, ngày 4/9/2024.
(Ảnh: AFP)

Đây là thông tin trong báo cáo do Liên hợp quốc công bố ngày 5/9. Theo báo cáo, các hạt bụi mịn PM2.5 thường gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe con người nếu hít phải trong thời gian dài vì chúng đủ nhỏ để đi vào máu.

Các hạt bụi mịn này được sinh ra từ hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, giao thông vận tải và công nghiệp, cũng như cháy rừng và bụi sa mạc do gió thổi.

Theo đánh giá của nhà khoa học Lorenzo Labrador thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), dữ liệu trên cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Trung Quốc và châu Âu đã giảm đi so với giai đoạn tham chiếu 2003 – 2023. Đây là kết quả của lượng khí thải thấp hơn ở các quốc gia này trong những năm qua. 

Kết quả phân tích được WMO đưa ra dựa trên các dữ liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), lưu ý rằng nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Ấn Độ cao hơn mức trung bình là do hoạt động của con người và công nghiệp. Theo ông Labrador, mức độ hạt mịn đã tăng ở tiểu lục địa Ấn Độ và một số khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Trung Quốc và châu Âu ghi nhận mức thấp hơn mức trung bình.

"Chúng tôi cho rằng sự suy giảm ô nhiễm ở châu Âu và Trung Quốc là kết quả trực tiếp của lượng khí thải thấp hơn ở các quốc gia này trong những năm qua… Đó là một phát hiện không mấy ngạc nhiên đối với các nhà khoa học tại WMO, những người đã nhận thấy xu hướng này kể từ khi họ lần đầu tiên công bố báo cáo phân tích vào năm 2021” – ông Labrador nói.

Theo WHO, cứ 10 người trên trái đất thì có tới 9 người phải hít thở không khí ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: metropolisindia)

Trong bản phân tích thường niên công bố trước Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh (7/9) năm nay, WMO đã nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng không khí và biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký WMO Ko Barrett khẳng định: “Biến đổi khí hậu và chất lượng không khí không thể được xử lý riêng biệt. Đây là các hiện tượng song hành và phải được giải quyết cùng nhau". Các kết quả phân tích của WMO cũng cho thấy các hóa chất gây ô nhiễm khí quyển thường được thải ra cùng lúc với khí gây hiệu ứng nhà kính.

Còn theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu, cháy rừng và ô nhiễm không khí đang có tác động tiêu cực ngày càng tăng lên sức khỏe con người, hệ sinh thái và nông nghiệp. Các số liệu thống kê của WHO cho thấy, hiện cứ 10 người trên trái đất thì có tới 9 người phải hít thở không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Mới đây, Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ rõ, mức độ ô nhiễm không khí ở châu Âu đã được cải thiện trong 20 năm qua. Tuy nhiên, hầu hết dân số ở lục địa này vẫn sinh sống tại các khu vực có mức độ ô nhiễm vượt quá khuyến nghị của WHO. Theo đó, khoảng 98% dân số châu Âu sống ở những khu vực mà WHO cho biết có mức độ không lành mạnh của bụi mịn PM2.5./.

T.Lan (Theo AFP, theguardian)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực