Bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới
|
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5-21 ngày nhiễm bệnh. Ảnh: CDC |
Tính đến ngày 3/6, hơn 643 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia bên ngoài châu Phi. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia cùng lúc cho thấy có thể đã có sự lây lan âm thầm chưa được phát hiện trong thời gian dài”.
Một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang tiếp tục lây lan ở những quốc gia thường ít khi ghi nhận các ca nhiễm virus gây bệnh này, khiến giới chức y tế toàn cầu phải cảnh giác cao độ. Trước đó, ngày 31/5, WHO khẳng định quyết tâm kiềm chế bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ bằng cách chặn hết mức có thể sự lây nhiễm từ người sang người. Tổ chức này cũng cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại châu Âu và nhiều nơi khác trong mùa Hè này đang ở mức cao.
Theo phân tích của Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge: "Khả năng bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lan rộng không chỉ ở châu Âu mà còn những nơi khác vào mùa Hè này là rất cao… Mục tiêu của WHO là kiềm chế đợt bùng phát hiện nay bằng cách ngăn chặn hiện tượng lây bệnh từ người sang người ở mức tối đa có thể”. Từ lập luận trên, ông Kluge kêu gọi các nỗ lực giúp nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ và chia sẻ thông tin về cách thức giảm nguy cơ phơi nhiễm.
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ khó trở thành đại dịch nhưng điều đó không có nghĩa nhiều người không có nguy cơ mắc bệnh. Bà Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ tại Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, nhận định: "Chúng tôi lo ngại các cá nhân có thể bị lây nhiễm bệnh này thông qua việc tiếp xúc nguồn lây, người có nguy cơ cao nếu họ không có đủ thông tin cần thiết để bảo vệ mình. Chúng tôi lo ngại dân số toàn cầu không còn miễn dịch với các loại virus này kể từ khi chương trình xóa sổ bệnh đậu mùa chấm dứt".
Những hệ lụy từ "cuộc chiến" khí đốt giữa Nga và EU
|
Toàn cảnh cơ sở lọc dầu Duna của Công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong cuộc họp diễn ra tối 30/5, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào nước Nga. Theo đó, châu Âu quyết định, trước cuối năm nay sẽ cắt giảm 90% lượng dầu mỏ mua từ Nga, đánh dấu phản ứng cứng rắn nhất của khối kinh tế chung trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
"Một ý kiến quan trọng và được thống nhất trong Liên minh châu Âu đó là chúng ta phải ngưng mua nhiên liệu hóa thạch của nước Nga. Thứ nhất, dầu mỏ không tốt cho khí hậu. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều, dầu mỏ bổ sung chiến phí cho nước Nga", bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay.
Trong báo cáo công bố cách đây ít lâu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo việc ngừng đột ngột nhập khẩu khí đốt Nga sẽ để lại những tác động nghiêm trọng khi có thể khiến các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Trung Á và Bắc Phi mất đi sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Trong nỗ lực nhằm bình ổn thị trường, tối 2/6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã đạt được thỏa thuận để tăng sản lượng khai thác dầu thô lên 648.000 thùng/ngày tháng 7 và 8 trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh và nguy cơ sụt giảm nguồn cung sau khi EU thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, động thái của OPEC+ được cho là mang tính chính trị nhiều hơn thực chất bởi mức tăng sản lượng chỉ dừng ở mức khiêm tốn và chiếm 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng hai tháng nêu trên. Các nhà phân tích cho rằng nguồn cung bổ sung chỉ tăng nhẹ có thể không đủ để xoa dịu thị trường dầu, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên kể từ khi Nga tấn công Ukraine, gây ra áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Bạo lực súng đạn ở Mỹ: Bài toán chưa có lời giải
|
Ít nhất 5 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại khuôn viên bệnh viện ở Tulsa, bang Oklahoma của Mỹ, ngày 1/6. Ảnh: AP |
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/6 đã kêu gọi Quốc hội nước này cấm vũ khí tấn công, mở rộng kiểm tra lý lịch người sở hữu súng và thực hiện các biện pháp kiểm soát súng đạn khác nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ xả súng hàng loạt vốn là một vấn nạn của nước Mỹ.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp từ Nhà Trắng trong khung giờ chính của truyền hình, Tổng thống J.Biden đã kêu gọi áp dụng một số biện pháp, vốn bị các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội phản đối trước đây, trong đó có lệnh cấm bán vũ khí tấn công hoặc/nếu không thì cần tăng độ tuổi tối thiểu được phép mua các loại vũ khí này từ 18 tuổi lên 21 tuổi, đồng thời hủy bỏ "lá chắn" trách nhiệm pháp lý vốn bảo vệ các nhà sản xuất súng khỏi bị kiện vì bạo lực do những người gây ra bằng súng mua của họ.
Vấn nạn bạo lực súng đạn tiếp tục là chủ đề nóng tại Mỹ, đặc biệt sau loạt vụ xả súng đẫm máu vừa xảy ra trong chưa đầy 1 tháng khiến dư luận bàng hoàng. Theo số liệu thống kê, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại Mỹ xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này. Súng đạn đã vượt qua tai nạn giao thông, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ.
Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 5
|
Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong tuần qua, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5, khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế.
Theo Eurostat, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên 8,1% trong tháng 5 so với mức 7,4% trong tháng 4. Đà tăng liên tục của giá cả đã gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
ECB cho biết ngân hàng này có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 để kiểm soát đà tăng của lạm phát và dự kiến sẽ chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu sớm nhất vào tuần tới. Với việc tăng lãi suất, ECB sẽ nối gót các các ngân hàng trung ương lớn khác đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tình trạng lạm phát lan rộng trên toàn cầu.
Trước đây, ECB đã hạ thấp mối đe dọa từ tình trạng lạm phát, với nhận định giá tiêu dùng tăng vọt là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong tháng 5, giá năng lượng tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi giá thực phẩm tăng 7,5%.
Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế với 33 biện pháp hỗ trợ
|
Mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022 là bài toán khó với Trung Quốc. (Ảnh :Bloomberg) |
Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 31/5 đã công bố một gói 33 biện pháp bao trùm các lĩnh vực tài chính, đầu tư và sản xuất để vực dậy nền kinh tế nước này sau thời gian thực hiện lệnh phong tỏa gắt gao nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19 tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước gần đây.
Theo đó, Trung Quốc sẽ chú trọng phát triển lành mạnh của các công ty nền tảng được đánh giá có vai trò quan trọng bình ổn thị trường việc làm. Các công ty nền tảng cũng sẽ được khuyến khích để tạo ra sự đột phá trong một loạt lĩnh vực như điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo và công nghệ blockchain.
Gói kích thích kinh tế mới nhất này tập trung vào việc giảm gánh nặng, chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, ngành sản xuất, thông qua biện pháp về hoàn thuế, giảm thuế, giảm phí. Dự kiến, số tiền hoàn thuế, giảm thuế mà các doanh nghiệp được hưởng trong năm 2022 sẽ lên đến 396 tỷ USD. Ngân hàng cũng được tăng gấp đôi hạn mức tín dụng cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế của Trung Quốc năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng 4,4%, con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% mà Trung Quốc đặt ra. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cảnh báo, sản lượng điện, sản lượng vận chuyển hàng hóa và các khoản vay ngân hàng đều giảm kể từ tháng 4. Nếu không có mức tăng trưởng GDP nhất định, thì việc làm ổn định sẽ không thể thành hiện thực./.