An ninh châu Âu trước những lo ngại mới

Thứ tư, 21/11/2018 22:48
(ĐCSVN) – Sau 30 năm kể từ ngày Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết giữa hai siêu cường là Mỹ và Liên xô, nhất là sau khi Khối quân sự Warsava tan rã, chưa bao giờ an ninh của châu Âu đứng trước thử thách lớn như hiện nay.

Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới

Ngày 20/10, tuyên bố trước báo giới sau một cuộc vận động cử tri tại bang Nevada, Tổng thống Donald Trump xác nhận, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tầm trung ký với Nga.

Phát biểu sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF và "đã sẵn sàng xây dựng kho vũ khí hạt nhân" để đáp trả "chương trình tên lửa mới của Nga", Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, việc các nước thành viên NATO triển khai thêm vũ khí hạt nhân tại châu Âu không phải là phản ứng đáp trả "chương trình tên lửa mới của Nga". Tổng Thư ký Stoltenberg tuyên bố NATO không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng như phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới”. Ông khẳng định không tính tới khả năng các đồng minh của khối sẽ triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tại châu Âu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “NATO cần đánh giá các tác động do chương trình tên lửa mới của Nga gây ra với an ninh" của liên minh quân sự này.

INF đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh châu Âu và toàn cầu.
(Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn)

Ngày 24/10, phản ứng trước động thái của Mỹ, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho rằng, với việc tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, Mỹ đang bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang, đặt Nga vào thế phải tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia. Ông Peskov nhấn mạnh: "Ý định của Mỹ là hết sức nguy hiểm. Trên thực tế, Mỹ tuyên bố ý định bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang và tăng cường tiềm lực quân sự". Theo quan chức Điện Kremlin, điều này khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn và Moskva phải nghĩ đến các lợi ích quốc gia cùng những vấn đề an ninh quốc gia của mình.

Thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ gây ra những phản ứng dữ dội từ Moskva mà còn tạo ra những nghi ngại đối với nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu, nơi từng xem INF, được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký ngày 8/12/1987, như “lá bùa” ngăn chặn những cuộc đối đầu hạt nhân gây hậu quả thảm khốc. Điều đó đồng nghĩa với việc đặt vấn đề an ninh của châu Âu trước thử thách mới.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước này sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu.

Đức, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc kỹ hậu quả liên quan việc rút khỏi INF, thỏa thuận vốn được xem như một “trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu” và là một nhân tố quan trọng của việc kiểm soát vũ khí trong suốt hơn 30 năm qua.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng lo ngại việc chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới hiệp ước START giữa Nga và Mỹ.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul gọi quyết định của Washington rút khỏi INF là “cú đánh” vào các đồng minh châu Âu. Dư luận châu Âu cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực thi chính sách đơn phương, bất chấp sự phản đối của các đồng minh gần gũi nhất, và cũng “không đếm xỉa” tới lợi ích của họ, tương tự như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề an ninh của châu Âu mà về lâu dài, còn đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Lo ngại sự đổ vỡ của INF có thể dẫn đến thảm họa, ngày 31/10, tuyên bố kết thúc cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga (NRC) tại Brussels (Bỉ), NATO kêu gọi Nga đảm bảo tuân thủ hoàn toàn INF, đồng thời cho biết tổ chức này sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Moskva về vấn đề này. NATO cam kết áp dụng các biện pháp hiệu quả để tiếp tục đảm bảo an toàn và an ninh cho toàn bộ các nước đồng minh NATO.

Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987, đã thống nhất loại bỏ tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên xô tại châu Âu. 

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định toàn bộ các nước đồng minh NATO đều nhất trí rằng INF đã đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực châu Âu-Thái Bình Dương. Chia sẻ quan điểm này, Phái bộ thường trực Nga tại NATO cho biết Moskva coi INF là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định cho châu Âu cũng như toàn thế giới.


Lo ngại về sự cạnh tranh giữa NATO và quân đội riêng của Liên minh châu Âu

Cách nay đúng 1 năm, trước việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hơn 20 nước thành viên Liên minh châu Âu đã ký một hiệp ước quốc phòng chung mang tính bước ngoặt trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự. Theo đó, các nước ký thỏa thuận về Cơ chế hợp tác thường xuyên (PESCO) trong lĩnh vực quốc phòng, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu và tăng cường phối hợp trong công tác phát triển các công nghệ quân sự mới.

Thỏa thuận trên bao gồm một cam kết về việc “thường xuyên tăng cường ngân sách quốc phòng về thực chất”, cùng với đó là những điều khoản như dành 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua sắm và 2% cho công tác nghiên cứu.

Sau nhiều năm Liên minh châu Âu cắt giảm chi tiêu và phụ thuộc quân sự vào Mỹ thông qua việc liên minh với NATO, Pháp và Đức hy vọng hiệp định này sẽ giúp các quốc gia Liên minh châu Âu hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Theo Reuters, PESCO có thể là bước nhảy vọt quan trọng của Liên minh châu Âu về chính sách quốc phòng trong vài thập kỷ tới với sức mạnh quân sự vượt trội hơn. Theo đó, chính phủ các nước Liên minh châu Âu sẽ cùng hợp tác và cam kết tài trợ cho các chiến dịch quân sự chung của Liên minh châu Âu và đầu tư vào khả năng phòng thủ của khối. Đồng thời, một trung tâm ứng phó với khủng hoảng và trung tâm chung đào tạo sĩ quan quân đội tại châu Âu sẽ được thành lập.

Hiệp ước quốc phòng riêng của Liên minh châu Âu ra đời trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sự ủng hộ của quân đội Mỹ có thể phụ thuộc vào ngân sách các quốc gia NATO chi tiêu cho ngành quốc phòng.

Châu Âu bày tỏ ý định, quân đội riêng của họ không phụ thuộc NATO để giải quyết các vấn đề châu lục. Theo các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Liên minh châu Âu, việc này sẽ thúc đẩy vai trò chiến lược toàn cầu của Liên minh châu Âu cũng như năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Ngày 20/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ những quan ngại về Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng của Liên minh châu Âu.

Ông Stoltenberg cảnh báo sau khi Anh rời Liên minh châu Âu, khoảng 80% ngân quỹ của NATO sẽ đến từ các nước không thuộc Liên minh châu Âu. Ông lo ngại các nỗ lực của Liên minh châu Âu về hợp tác quốc phòng có nguy cơ làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương, tăng gấp đôi gánh nặng công việc của NATO và nhen nhóm quan điểm phân biệt đối xử với các thành viên không thuộc Liên minh châu Âu.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho rằng cần phải tránh để xảy ra tình trạng "công việc kép" giữa châu Âu và NATO, đồng thời nhấn mạnh cần phải hiểu hành động của châu Âu không phải là một phương án thay thế cho NATO mà là việc củng cố trụ cột của châu Âu trong khối quân sự này. Theo ông Stoltenberg, điều quan trọng đối với người dân châu Âu là phải khẳng định các động thái của châu lục này sẽ không khơi mào sự cạnh tranh hay phương án thay thế cho NATO. Ông Stoltenberg cho rằng các nỗ lực của châu Âu cần phù hợp với các mục tiêu của NATO; giải pháp nâng cao năng lực cùng các phương tiện của châu Âu là để sẵn sàng cho tất cả các chiến dịch chứ không chỉ dành riêng cho các chiến dịch của Liên minh châu Âu; đồng thời kêu gọi đồng bộ hóa tối đa. Ngoài ra, Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh Liên minh châu Âu cần phải hiểu rõ rằng liên minh này chưa thể đảm bảo khả năng tự bảo vệ.

Phát ngôn trên của Tổng thư ký NATO đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Ông Gabriel cảnh báo Mỹ cần chấm dứt can thiệp vào việc công việc nội bộ của châu Âu, đồng thời khẳng định không một quốc gia nào có thể chia rẽ Liên minh châu Âu.      

Phát biểu trước đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định hiệp ước phòng thủ mới của Liên minh châu Âu sẽ không đe dọa vai trò của NATO trong việc bảo vệ châu Âu. Bà Mogherini nhấn mạnh rằng vai trò của NATO đã được ghi rõ trong các hiệp ước của Liên minh châu Âu, chính vì vậy không có sự thay thế hay ganh đua với liên minh quân sự này./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực