Bà Theresa May đã nắm chắc cơ hội trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: huffingtonpost.co.uk)
Theo danh sách ban đầu, các ứng cử viên chạy đua vào vị trí Thủ tướng Anh bao gồm: Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Stephen Crabb, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox, Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và Bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove. Sau hai vòng bỏ phiếu của đảng Bảo thủ, cơ hội đi tiếp trên chặng đua trở thành Thủ tướng Anh đã thuộc về bà Leadsom và bà May, với ưu thế nghiêng về Bộ trưởng Nội vụ Anh. Dự kiến, hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng Anh sẽ thực hiện các bài diễn thuyết trên khắp đất nước để vận động sự ủng hộ của 150.000 thành viên đảng Bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu quan trọng diễn ra vào ngày 9/9/2016. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 11/7, bà Leadsom đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua bởi ứng cử viên này không tin rằng minh sẽ kêu gọi đủ tỷ lệ ủng hộ cần thiết để lãnh đạo một “chính phủ mạnh mẽ và ổn định”.
Trả lời phỏng vấn báo chí vào cuối tuần trước, bà Leadsom đã phát biểu rằng, việc được làm mẹ đã khiến bà có thể trở thành ứng cử viên tốt hơn cho vị trí Thủ tướng Anh. Lời tuyên bố trên đã khiến Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Anh phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ vì được xem là ám chỉ tới đời sống riêng tư của bà May.
Như vậy, sau khi giành được những lợi thế liên tiếp trên đường đua trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing, bà May đã nắm trong tay cơ hội trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Anh David Cameron – người tuyên bố từ chức cách đây không lâu sau khi người dân Anh lựa chọn kịch bản rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 6/2016. Điều đó cũng có nghĩa rằng bà May, 59 tuổi – người sắp trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử nước Anh (sau bà Margaret Thatcher – người nắm quyền Thủ tướng Anh từ năm 1979-1990) sẽ phải gánh vác những trọng trách rất nặng nề, trong đó có việc tiếp quản tiến trình đàm phán với các đối tác EU về lộ trình Brexit, thu hẹp những khoảng cách về thương mại và đầu tư đang ngày càng bị nới rộng cũng như những biến động trong thị trường tài chính do hệ lụy của Brexit…
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 11/7, bà May bày tỏ: “Tôi rất lấy làm vinh dự khi được lựa chọn trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ”. Tuy nhiên, bà May – người ủng hộ trường phái ở lại EU cũng đã tỏ rõ quan điểm rằng “sẽ không có cơ hội để thay đổi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6”. “Brexit có nghĩa rằng Brexit, và chúng ta sẽ tạo nên những thành công trong chặng đường này…Nếu trở thành Thủ tướng Anh, tôi xin bảo đảm chắc chắn rằng Anh sẽ rời khỏi EU” – bà May nói.
Phát biểu trước báo giới trước ngôi nhà số 10 phố Downing ngày 11/7, Thủ tướng sắp từ nhiệm của nước Anh David Cameron cho biết ông sẽ chủ trì phiên họp cuối cùng của Nội các do ông lãnh đạo vào ngày 12/7 và trả lời một số câu hỏi của Quốc hội Anh vào ngày 13/7 trước khi đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth.
Ông Cameron khẳng định bà May - ứng cử viên duy nhất còn trụ lại trong cuộc đua trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ, sẽ trở thành người kế nhiệm ông vào tối 13/7.
Hiện Mỹ là nước đầu tiên đưa ra phản ứng trước thông tin bà May đã nắm chắc cơ hội trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử nước Anh. Trong một tuyên bố cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama tin tưởng rằng, “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh sẽ tiếp tục được vun đắp sau khi bà May trở thành tân Thủ tướng Anh./.