(ĐCSVN) – Gần một tháng kể từ khi Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật ân xá, làn sóng biểu tình lớn và ngày càng lan rộng tại quốc gia này dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ kêu gọi đối thoại hòa bình, trong khi người biểu tình vẫn khăng khăng không chịu đối thoại.
|
Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đang phải đương đầu với làn sóng biểu tình. (Ảnh: The Guardian/Xinhua Press) |
Tờ Bangkok Post ngày 29/11 cho biết, người đứng đầu đoàn người biểu tình chống chính phủ - ông Suthep Thaugsuban - vào tối 28/11 tiếp tục bác bỏ đề nghị đối thoại của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và cho biết ông chưa sẵn sàng cho việc đối thoại.
Ông Suthep cũng đã nói với người biểu tình tại khu liên hợp trụ sở các cơ quan nhà nước ở phía Bắc Bangkok rằng, ông và người biểu tình sẽ không đối thoại với bà Yingluck, chính phủ hay bất kỳ một đại diện nào. Ông này cho biết: “Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là sẽ không còn “chế độ Thaksin” tại Thái Lan nữa”.
“Chế độ Thaksin” mà ông Suthep nói ở đây là ám chỉ sự ảnh hưởng của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và gia đình của ông Thaksin đối với nền chính trị Thái Lan.
Động thái trên của ông Suthep nhằm phản ứng lại Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra – người ngày 28/11 đã kêu gọi người biểu tình chống chính phủ dừng các hoạt động biểu tình và chấm dứt việc chiếm giữ các cơ quan chính phủ.
Bà Yingluck cho biết, chính phủ của bà đã được bầu ra dưới chế độ quân chủ lập hiến và được ủy quyền để thực thi pháp luật. Và chính phủ không muốn chơi “những trò chơi chính trị” có thể làm tổn hại đến đất nước và đề xuất của những người biểu tình nhằm tạo ra “một hội đồng nhân dân” là điều không chấp nhận được.
Chính phủ của bà Yingluck hiện đang rất nỗ lực để tránh xảy ra bạo lực. Đồng minh của chính phủ - phe áo đỏ cũng đang hạn chế di chuyển để tránh một sự đối đầu.
Tuy nhiên, ông Suthep vẫn khăng khăng quan điểm cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã không còn tính hợp pháp sau khi họ bác bỏ phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp.
|
Người biểu tình tập trung tại khu liên hợp các cơ quan chính phủ tối 28/11. (Ảnh: Bangkok Post) |
Trước đó, ông này đã tuyên bố mong muốn thành lập một “chính phủ của nhân dân để thay đổi các luật lệ hiện nay nhằm tiến tới một chính quyền dân chủ thật sự dưới thể chế quân chủ lập hiến”. Theo đó, ông Suthep cũng đưa ra 6 điểm cải cách: Bầu cử tự do và công bằng; bài trừ nạn tham nhũng; thật sự tôn trọng quyền lực của người dân; xây dựng lại lực lượng cảnh sát; thiết lập luật lệ và quy định mới cho các quan chức chính quyền; xây dựng một chương trình quốc gia cho giáo dục, giao thông và y tế.
Trong khi đó, người biểu tình chống chính phủ tại các tỉnh cũng tiếp tục các hoạt động biểu tình trong ngày 28/11 nhằm gây áp lực đối với các cơ quan của chính phủ tại địa phương. Tại Bangkok, người biểu tình vẫn tiếp tục di chuyển khỏi các địa điểm của họ để nhằm chiếm giữ thêm các cơ quan chính phủ. Ngày 28/11, từ đại lộ Ratchadamnoen, đoàn người biểu tình do một thành viên của Đảng Dân chủ – ông Jitrapas Pirompakdee dẫn đầu di chuyển dần đến Bộ Quốc phòng Thái Lan. Một đoàn biểu tình khác, do một thành viên khác của Đảng Dân chủ – ông Issara Somchai sẽ tập trung ở Bộ Giáo dục. Từ cầu Makkhawan Rangsan, người biểu tình di chuyển đến Văn phòng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.
Ngày 27/11, người biểu tình đã chiếm giữ 10 cơ quan chính phủ và khuyến khích công chức ngừng làm việc cho chính phủ. Các cơ quan này gồm: Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp, Bộ Lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người, Bộ Khoa học Công nghệ và Cục Điều tra đặc biệt (DSI)./.