Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều đang dần khép lại?

Thứ sáu, 12/06/2020 15:06
(ĐCSVN) – Ngày 12/6/2018, cả thế giới hướng tâm điểm chú ý về hòn đảo Sentosa (Singapore) để theo sát từng diễn biến cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, những tia hy vọng về một tương lai xóa bỏ sự thù địch trong mối quan hệ Mỹ - Triều đang ngày càng trở nên mờ nhạt.
Tổng thống Mỹ D.Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un  trong cuộc gặp gỡ lịch sử tại Singapore, ngày 12/6/2018. (Video: Time)

Nỗi “thất vọng” của Triều Tiên

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri So-gwon bày tỏ sự thất vọng trong mối quan hệ với Mỹ.
(Ảnh: Bloomberg) 

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhân dịp tròn 2 năm diễn ra cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri So-gwon ngày 12/6 tuyên bố: Mục tiêu của nước này là xây dựng một lực lượng “tin cậy hơn” để chống lại những mối đe dọa quân sự dài hạn từ phía Mỹ. Triều Tiên sẽ không bao giờ mở ra một cơ hội nữa để ông D.Trump có thể tận dụng nhằm thúc đẩy những thành tựu chính trị trong nhiệm kỳ Tổng thống. Ông Ri So-gwon cho rằng những kỳ vọng cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều, vốn trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu 2 năm trước đây, giờ đã trở thành nỗi thất vọng.

Trong tuyên bố phát trên hãng thông tấn quốc gia KCNA, Ngoại trưởng Triều Tiên cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump chỉ muốn ghi điểm về chính trị và đưa ra các lời hứa sáo rỗng mà không hề có các bước đi thiết thực để triển khai những thỏa thuận đã thông qua. Ông Ri So-gwon nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trao thêm cho Mỹ cơ hội nào nữa mà không nhận được sự đáp lại thích đáng. Thay vào đó, Triều Tiên đã quyết định sẽ thúc đẩy năng lực hạt nhân để đối phó với nguy cơ "chiến tranh hạt nhân" từ Mỹ.

Theo ông Ri So-gwon, những gì diễn ra trong hai năm qua cho thấy, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi lỗi hành xử bất công và lỗi thời đối với Triều Tiên, khi công khai tuyên bố về tiến bộ trong quan hệ Mỹ - Triều, mà vốn không có ý nghĩa gì hơn ngoài âm mưu thay đổi chế độ, bảo đảm một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu và vun đắp niềm tin vào việc cô lập, bóp nghẹt Triều Tiên.

“Tất cả những thực tế trên đã một lần nữa cho thấy rằng, những hy vọng về cải thiện các mối quan hệ Mỹ - Triều – vốn trở thành tâm điểm toàn cầu từ 2 năm về trước – giờ đã đã biến thành nỗi tuyệt vọng, với sự đi xuống không có điểm dừng và thậm chí là một tia lạc quan mong manh cho hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng đã tan biến vào một cơn ác mộng tăm tối ” – ông Ri So-gwon nói.

Cùng những vấn đề nan giải của Tổng thống D.Trump

Mục tiêu mà Tổng thống D.Trump là nhanh chóng hoàn tất tiến trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và coi đây là “điểm cộng” về thành tựu ngoại giao mà chưa một người tiền nhiệm nào từng làm được, sẽ trở thành tiền đề vững chắc đưa ông quay trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy, tia hy vọng mà Tổng thống D.Trump đã nhen nhóm từ cách đây 2 năm về trước nhằm coi việc giải quyết vấn đề Triều Tiên là điểm sáng trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu của mình dường như đang dần tan biến khi mà mối quan hệ Mỹ - Triều đang có nguy cơ quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Kể từ khi lên nhậm chức năm 2017, Tổng thống Mỹ D.Trump đã trải qua nhiều thách thức và được cho là có cơ hội tái đắc cử. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông hiện đã suy giảm trong bối cảnh nước Mỹ cùng lúc đang phải đối mặt với 3 vấn đề nan giải đó là: Cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ do đại dịch COVID-19, tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ và cuộc bất ổn dân sự tồi tệ nhất kể từ năm 1960.

Tình cảnh rối ren của nước Mỹ khiến nước này không còn “tâm trí” để tập trung giải quyết vấn đề Triều Tiên. Những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, những phản ứng của Mỹ trước những tuyên bố có phần gay gắt của Triều Tiên đều có phần mềm mỏng, trái với những lời lẽ “ăn miếng trả miếng” vốn không hề xa lạ trong mối quan hệ nhiều năm căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/6 cho biết nước này vẫn duy trì cam kết thực thi thỏa thuận Singapore đạt được giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt.

“Mỹ cam kết cùng với Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa để người dân Triều Tiên có thể hiện thực hóa một tương lai tươi sáng hơn… Đề xuất này vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt để đạt được một thỏa thuận cân bằng đối với tất cả các cam kết đạt được tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore” – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

…  thách thức vai trò “trung gian hòa giải” của Hàn Quốc

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên bắt tay nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Panmunjom tháng 4/2018. (Ảnh: AFP)

Người ta vẫn nói ví von rằng mối quan hệ bộ ba giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên là “chiếc kiềng 3 chân” và việc mất đi “sự kết nối” của bất kỳ cặp đôi nào cũng kéo theo tác động đối với bên còn lại. Những gì đang diễn ra trong mối quan hệ tay ba này cho thấy, nếu như quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên không suôn sẻ thì quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng khó lòng yên ả.

Trong suốt một năm qua, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chờ đợi vào những kết quả rõ ràng từ tiến trình đàm phán Mỹ - Triều, tuy nhiên mọi thứ lại diễn ra không như mong muốn.

Trong thông điệp đưa ra nhân kỷ niệm 2 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom (27/4/2018 – 27/4/2020), ông Moon Jae-in nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” cho tới khi một số vấn đề được cải thiện, trong đó gồm cả việc khai thông tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang đình trệ.

Với cá nhân ông Moon Jae-in, việc thúc đẩy những thành tựu đạt được trong cải thiện mối quan hệ liên Triều được xem là “một dấu ấn” của nhiệm kỳ Tổng thống và mở ra cơ hội để ông tiếp tục hâm nóng vai trò trung gian hòa giải Mỹ - Triều, một cầu nối quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy hòa giải liên Triều.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên ở Panmunjom mang ý nghĩa là một “chất xúc tác” hay “đòn bẩy ngoại giao” để các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên phá vỡ mọi định kiến và “xích lại gần nhau ở mức chưa từng có tiền lệ”, cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên tại Singapore ngày 12/6/2018 và tiếp sau đó là ở Hà Nội vào tháng 2/2019.

Trong tháng 5/2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau khi đã củng cố quyền lực chính trị khi Đảng Dân chủ cầm quyền giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4, đã tuyên bố ông sẽ tăng cường cải thiện quan hệ liên Triều chừng nào ông còn tại nhiệm. Tuy nhiên, những mục tiêu tham vọng mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra đã bị tác động không ít bởi những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều.

Khoảnh khắc bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ D.Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, ngày 12/6/2018. (Ảnh: Reuters). 

Cách đây 2 năm, Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Singapore nhằm đàm phán việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc gặp đã mang lại một kết quả tốt đẹp hơn cả mong đợi và được dư luận thế giới hoan nghênh cùng với việc hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung với cam kết Bình Nhưỡng sẽ "nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" nhằm đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Hai bên cũng nhất trí hợp tác để cải thiện quan hệ song phương, xây dựng thể chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và hồi hương hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Sau cuộc gặp này, ông D.Trump và ông Kim Jong-un đã có thêm hai cuộc gặp khác tại Hà Nội vào tháng 2/2019 và khu phi quân sự liên Triều vào tháng 6 cùng năm.  Tuy nhiên cho tới nay, các cuộc đàm phán nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn bế tắc do bất đồng về các bước đi hạt nhân hóa của Triều Tiên cùng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong hai năm qua, mục tiêu cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều vẫn còn nhiều trắc trở và đang chuyển dần từ dấu hiệu “được hâm nóng” sang trạng thái nguội lạnh.

Có ý kiến cho rằng, dường như cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều đang dần khép lại sau 2 năm hé mở. Song cũng có người tỏ ra lạc quan khi tin tưởng cục diện sẽ thay đổi nếu như dịch COVID-19 được kiểm soát sớm vào cuối năm nay. Và cũng như "câu chuyện kỳ tích" tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc năm 2018 khi trở thành cầu nối gắn kết quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, biết đâu Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 (đã được lùi sang năm 2021 do đại dịch COVID-19) cũng có thể lặp lại điều tương tự?

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực