COVID-19: Gần 5.500 người chết chỉ trong 1 ngày trên thế giới

Thứ tư, 05/08/2020 08:33
(ĐCSVN) – Đến sáng sớm 5/8, thế giới có tổng số 18.665.733 ca nhiễm và 702.581 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 228.345 và 5.498 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Xét nghiệm kiểm tra các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Maroc. (Ảnh: Franceinfo)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng sớm 5/8, đã có 11.896.001 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.067.151 ca bệnh đang điều trị, có 6.001.419 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 65.732 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với thêm 51.282 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ vượt qua Brazil trở thành quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ và Brazil xuống vị trí thứ 3 với lần lượt là 50.494 và 50.256 ca. Tuy nhiên, Mỹ lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng vọt lên 1.201 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.

Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 59.573 ca nhiễm COVID-19 và 1.560 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 5.770.549 và 224.379 ca. Với 4.914.410 ca nhiễm và 160.129 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau đó là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 443.813 và 117.792 ca nhiễm, cùng 48.012 và 8.958 ca tử vong vì COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web Axios ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump Dịch tuyên bố COVID-19 là “một dịch bệnh khủng khiếp” song đang "trong tầm kiểm soát" tại quốc gia này.

Với 4.601.568 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng sớm 5/8, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 102.369 ca đã tử vong do COVID-19 và 3.432.272 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 1.906.613; 314.786 và 281.456 ca. Trong khi kể từ 12h00 ngày 4/8, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã nới lỏng lệnh cấm đối với các vũ trường và quán bar, từ mức "cấm tụ tập" sang "hạn chế tụ tập có điều kiện"; thì từ ngày 4/8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon (Philippines), bao gồm cả thủ đô Manila, đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây, theo đó người dân phải ở yên trong nhà 2 tuần.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 61.542 ca nhiễm và 1.621 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 4.347.684 ca, trong đó 149.954 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 50.256 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 2.801.921 vào thời điểm hiện tại. Với 1.117 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru – nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai khu vực (433.100 ca) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.943.138 trường hợp, trong đó có 204.469 ca tử vong và 1.767.106 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 19.416 ca nhiễm và 416 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 861.423; 349.894 và 306.293 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 46.299 ca, sau khi có thêm 89 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, mặc dù sự lây nhiễm của dịch bệnh nguy hiểm này đã giảm đi nhiều so với mức cao điểm của đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu tháng 4 vừa qua, song số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tại nhiều nơi ở Đức lại đang trở thành vấn đề thực sự đáng lo ngại. Ngày 4/8, Viện trưởng Viện Virus và Vi sinh vật học thuộc Trường Đại học Y Brandenburg, Giáo sư Frank T. Hufert đã đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai tại Đức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho biết 320.000 nhân viên chăm sóc y tế tại nhà trên cả nước sẽ nhận được khoản hỗ trợ 500 Euro mỗi người trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng cộng gói hỗ trợ này trị giá 160 triệu Euro. Cùng ngày, hội đồng khoa học COVID-19 của chính phủ Pháp cảnh báo nước này có thể mất kiểm soát sự lây lan của dịch "vào bất cứ lúc nào".

Tính đến sáng sớm 5/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 981.533 ca, trong đó có 21.138 ca tử vong và 655.362 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 521.318 ca nhiễm và 8.884 ca tử vong. Tiếp theo đó là Ai Cập, Nigeria và Ghana, với lần lượt 94.752; 44.433; 37.812 ca nhiễm bệnh. Trong khi Ghana không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới thì Nam Phi có thêm tới 4.456 ca nhiễm và 345 ca tử vong mới, còn Ai Cập ghi nhận thêm 112 ca nhiễm và 24 ca tử vong mới chỉ trong vòng một ngày qua. Nhiều nước châu Phi như Kenya, Mali, Rwanda, Senegal, Côte d'Ivoire, Niger, Chad, Burkina Faso và Togo ngày 4/8 thông báo bắt đầu mở lại các chuyến bay quốc tế sau thời gian tạm dừng do đại dịch COVID‐19.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 20.522 ca nhiễm (tăng 415 ca) và 257 ca tử vong (tăng 11ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 412 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.730 ca, trong đó 232 ca tử vong (tăng 11 ca).

Ngày 4/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, sự mất cân đối tài khoản vãng lai toàn cầu có thể bị thu hẹp hơn nữa trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong khi một số nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương có thể sẽ đối mặt với sự thất thoát dòng chảy đầu tư lớn./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực