|
Một binh sĩ Armenia đang nã pháo vào chiến tuyến trong cuộc giao tranh đang diễn ra giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AFP)
|
Thông báo từ văn phòng báo chí của CSTO cho biết thêm, ngoài việc cử phái đoàn do Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas đứng đầu với sự tham gia của Tổng tham mưu trưởng CSTO, Đại tá Anatoly Sidorov và đại diện của các quốc gia thành viên CSTO với Cộng hòa Armenia để đánh giá tình hình hiện tại, ban lãnh đạo CSTO cũng ra chỉ thị về việc soạn thảo một báo cáo chuyên sâu gửi tới nguyên thủ các nước tham gia phiên họp tiếp theo của CSTO dự kiến tổ chức vào mùa Thu năm nay ở Yerevan về tình hình trong khu vực cũng như thúc đẩy các đề xuất giảm căng thẳng.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, các đại diện CSTO đã quyết định thành lập một nhóm công tác "bao gồm các nhân viên và các binh sỹ của quân đội ở các trụ sở chung để giám sát liên tục tình hình trong khu vực thuộc trách nhiệm do CSTO phụ trách.
Ban Thư ký của CSTO cho biết thêm, nhân cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho các thành viên tham dự về các bước đi thực tế bổ sung mà Moscow đã thực hiện nhằm giảm leo thang căng thẳng hiện nay ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.
"Một cuộc trao đổi quan điểm chi tiết và công bằng đã diễn ra. Tất cả những người tham gia cuộc họp của CSTO đã bày tỏ lo ngại về diễn biến xấu đi của tình hình trong khu vực và ủng hộ việc giải quyết bất đồng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và thỏa thuận được nêu trong các tuyên bố do các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga thông qua ngày 9/11/2020. Các nỗ lực hòa giải của Liên bang Nga nhằm ổn định tình hình trong khu vực đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối” – Ban Thư ký CSTO nhấn mạnh.
Đụng độ giữa quân đội Armenia và Azerbaijan xảy ra đêm 12/9, đánh dấu bước leo thang trong căng thẳng đã kéo dài hàng thập kỷ giữa 2 bên liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn, bắt đầu từ 9h00 giờ địa phương ngày 13/9, tuy nhiên thỏa thuận chỉ được duy trì trong vài phút.
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội Armenia, ngày 13/9, Thủ tướng nước này – ông Nikol Pashinyan tiết lộ số liệu thống kê cho thấy 49 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Azerbaijan, tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Ông Pashinyan cho biết, Azerbaijan đã tấn công biên giới của Armenia theo bảy hướng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết lực lượng quân đội nước này đã đáp trả hành động khiêu khích trên quy mô rộng do Armenia thực hiện vào đêm 12 và rạng sáng 13/9. Quân đội Armenia đã đặt mìn và phóng hỏa vào các căn cứ quân sự Azerbaijan. Các cuộc tấn công đã khiến 50 người Azerbaijan thiệt mạng.
|
Cuộc giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu từ rạng sáng 13/9.
(Video: Iranpress) |
Trước bối cảnh trên, cộng đồng thế giới đã kêu gọi hai quốc gia láng giềng vùng Capcaz kiềm chế, tránh đẩy tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng.
Ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã nỗ lực hành động một cách cân bằng nhằm duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Trên thực tế, Nga có mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Armenia (nơi đóng căn cứ quân sự của Nga), đồng thời cũng đang phát triển hợp tác chặt chẽ với đất nước Azerbaijan giàu tài nguyên dầu mỏ.
Trong khi đó, Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt giao tranh. Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh Washington "quan ngại sâu sắc" về tình hình, gồm cả "các cuộc tấn công được báo cáo nhằm vào các khu định cư và cơ sở hạ tầng dân sự" ở Armenia.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Armenia và Azerbaijan cần ngay lập tức thực hiện các bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại, đồng thời tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được từ trước.
Được biết, trong ngày hôm nay (14/9), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ triệu tập một phiên tham vấn kín về cuộc giao tranh mới bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan./.