Ảnh: TASS |
|
Bên cạnh những thông tin đáng quan ngại, những nỗ lực khống chế dịch bệnh tại “tâm điểm” COVID-19 trên thế giới là Mỹ đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu khích lệ khi bang New York, ngày 20/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất do dịch bệnh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại hai bang lân cận là New Jersey và Connecticut. Hiện New York đang lên kế hoạch xét nghiệm kháng thể chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho 3.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên để có thể cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế của bang, dựa trên kết quả thu thập được.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến khả quan khi trong vòng 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận 399 ca tử vong - mức thấp nhất trong một ngày trong gần 1 tháng qua. Theo số liệu thống kê do worldometers.info vừa công bố, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha là 200.210 trường hợp, với 20.852 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong khi đó, Italy, nước đứng thứ ba trên thế giới về số người mắc COVID-19, cũng có tín hiệu tích cực khi ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong vòng 1 tháng qua còn số ca hồi phục cũng được ghi nhận ở mức cao. Hiện Italy đang ghi nhận 181.228 ca nhiễm COVID-19, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức cao nhất châu Âu, với 24.144 trường hợp.
Tại Bỉ, Bộ Y tế nước này cho biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã qua giai đoạn "đỉnh điểm" khi số người nhập viện do mắc COVID-19 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Số liệu ghi nhận được vào sáng 21/4 cho thấy, hiện Bỉ ghi nhận tổng số 39.983 ca nhiễm, 5.828 ca tử vong vì COVID-19 và 8.895 ca đã được chữa khỏi bệnh.
Ngày 20/4, Ủy ban châu Âu (EC) cùng một số đối tác đã công bố “Nền tảng Dữ liệu COVID-19 châu Âu” cho phép thu thập và chia sẻ nhanh chóng các dữ liệu nghiên cứu có sẵn trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo phát đi cùng ngày EC khẳng định, nền tảng mới này sẽ cung cấp một môi trường toàn cầu và châu Âu cởi mở, đáng tin cậy và có thể nới rộng. Đây là nơi các nhà nghiên cứu có thể lưu trữ, chia sẻ và phân tích nhiều phát hiện về virus Corona. Các bộ dữ liệu sẽ bao gồm các chuỗi DNA, cấu trúc protein, dữ liệu về nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng, dữ liệu dịch tễ học cùng nhiều thông tin khác.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thì các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra rất nhiều kiến thức về virus Corona. Nhưng không có nhà nghiên cứu, phòng thí nghiệm hay quốc gia đơn lẻ nào có thể tìm ra giải pháp. “Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn giúp các nhà khoa học truy cập dữ liệu và chia sẻ thông tin…Điều này sẽ giúp khoa học đáp ứng tốt hơn và nhanh hơn những nhu cầu cần thiết của xã hội” – bà von der Layen nói.
Cũng trong ngày 20/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khuyến cáo các nước cần ưu tiên phát hiện các ca mới và chữa trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 hơn là tiến hành xét nghiệm kháng thể chống virus trên người. Theo quan điểm của người đứng đầu WHO thì việc xét nghiệm kháng thể đóng vai trò quan trọng để tìm ra những người từng nhiễm bệnh. Trong khi đó, việc xét nghiệm để tìm ra virus lại là công cụ cốt lõi để phát hiện những ca đang bị nhiễm để có thể chuẩn đoán, cách ly và tiến hành điều trị.
Thông điệp này được ông Ghebreyesus đưa ra trong bối cảnh hiện nhiều nước châu Âu đang đưa ra những quan điểm khác nhau về tiến hành xét nghiệm kháng thể. Hiện Hà Lan đang nỗ lực tính toán số phần trăm dân số đã phát triển kháng thể chống lại virus. Trong khi đó, Anh cũng đang có kế hoạch tiến hành xét nghiệm này còn Pháp thì lại tỏ ra thận trọng vì cho rằng, hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ, gồm cả việc liệu những người có kháng thể có thực sự không bị tái nhiễm COVID-19 hay không./.