Gaza trước tương lai bất định

Thứ hai, 08/04/2024 15:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Cuộc xung đột bước sang tháng thứ 6 liên tiếp kéo theo khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Gaza đã nhấn mạnh tính cấp bách của những hành động quốc tế. Người dân nơi đây đang trông chờ vào những giải pháp cụ thể giúp chấm dứt thảm cảnh mà họ đang phải gánh chịu.

Những con số ám ảnh sau 6 tháng xung đột

Những tòa nhà bị hư hại gần Bệnh viện Shifa ở thành phố Gaza, ngày 1/4/2024. (Ảnh: Tân Hoa Xã) 

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối tuần trước, Giám đốc Ban điều phối của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc - ông Ramesh Rajasingham cho biết, dải đất hẹp ven Địa Trung Hải đã trải qua 6 tháng "đầy đau đớn”. Người dân đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Gaza.

Theo số liệu thống kê từ ông Rajasingham, xung đột tiếp diễn dai dẳng ở Gaza đã khiến hơn 32.000 người thiệt mạng và 75.000 người khác bị thương. Tình hình tại khu vực này đã bị đẩy tới mức nguy kịch, với phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột.

"Rõ ràng là dân thường ở Gaza không được bảo vệ" – ông Rajasingham nói, đồng thời hối thúc vai trò của cộng đồng quốc tế can thiệp để bảo vệ sinh mạng những người dân vô tội. Theo quan chức Liên hợp quốc, xung đột đã kéo theo một cuộc di dời thảm khốc ở Gaza, khi 1,7 triệu người (chiếm 75% dân số Gaza) buộc phải rời bỏ nhà cửa để tới những nơi khác trong điều kiện sống bấp bênh.

Nhân dịp này, quan chức Liên hợp quốc cũng điểm lại tác động tàn khốc của cuộc xung đột ở Gaza, bao gồm cả "sự tàn bạo vô lương tâm" gần đây được chứng kiến dưới hình thức các cuộc ném bom dữ dội và các chiến dịch trên bộ, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mà còn cản trở nghiêm trọng các nỗ lực nhân đạo.

Ông Rajasingham trăn trở, các nhân viên cứu trợ đang phải vượt qua nguy hiểm để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân Gaza. Tuy nhiên, quy mô và phạm vi của các hoạt động cứu trợ vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân nơi đây. Qua đó, quan chức Liên hợp quốc kêu gọi bảo đảm quyền tiếp cận an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở để các dịch vụ và hàng hóa thiết yếu có thể đến với tất cả mọi người dân có nhu cầu.

Triển vọng hòa giải lại hé lộ ở Gaza?

Giữa lúc chưa thể tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, cộng đồng thế giới đang hướng sự chú ý vào các vòng đàm phán được nối lại ở Ai Cập từ cuối tuần qua.

Sáng 8/4, kênh truyền hình nhà nước Al-Qahera News của Ai Cập dẫn lời một quan chức cấp cao xác nhận quá trình đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được tiến triển khi các bên đã tìm thấy đồng thuận về những điểm cơ bản.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh đàm phán về lệnh ngừng bắn có sự tham gia các nhà hòa giải quốc tế được nối lại tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 7/4. Phía Israel và Hamas đều thông báo cử đại diện tham gia. 

Cũng theo nguồn tin trên, phái đoàn Hamas và Qatar đã rời Cairo và dự kiến sẽ quay lại trong vòng 2 ngày tới để thống nhất về những điều khoản của thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, phái đoàn Israel và Mỹ cũng sẽ rời đi "trong vài giờ tới" và việc tham vấn sẽ tiếp tục trong 2 ngày tới. 

Biểu tình phản đối Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) hôm 6/4. (Ảnh: ANADOLU AGENCY) 

Cho tới nay, cộng đồng thế giới đã chứng kiến nhiều vòng đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas với sự trung gian của các nước. Tuy nhiên, kể từ đợt ngừng bắn hồi tháng 11/2023 với việc thả hơn 100 con tin, những cuộc thương lượng khác đến nay vẫn chưa mang lại kết quả do nhiều khác biệt chưa thể thu hẹp. Mới đây nhất, những hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới vào tháng Ramadan đã bị dập tắt giữa lúc các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Cairo (Ai Cập) bị đình trệ. Sự hận thù và mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hamas khiến việc tìm lối thoát cho cuộc xung đột dường như rơi vào bế tắc.

Sáu tháng sau cuộc chiến, Israel đã bị đẩy theo hướng khác xa với những toan tính ban đầu: sa lầy ở Gaza, bị chia rẽ trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế và ngày càng bất hòa với đồng minh thân cận nhất. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn vẫn là hiện thực.

Ở mốc sáu tháng, vẫn chưa rõ cuộc xung đột ở sẽ đi theo hướng nào. Nhiều nỗ lực hòa giải của Mỹ, Ai Cập và Qatar để tiếp tục đạt được lệnh ngừng bắn kéo dài hơn cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả, ngay cả khi cộng đồng quốc tế đang hối thúc chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Về phía Israel cũng từng khẳng định quyết tâm mở rộng cuộc tấn công tới Rafah, quyết tâm xóa sổ tận gốc Hamas khỏi thành trì cuối cùng là Gaza. Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thương vong tăng mạnh và xung đột leo thang ở dải đất hẹp ven Địa Trung Hải.

Ở trong nước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực của những người biểu tình yêu cầu từ chức vì cách ông điều phối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Những người tham gia phong trào biểu tình bao gồm nhiều thành viên gia đình của các con tin, vốn đang chỉ trích ông Netanyahu đặt ưu tiên tương lai chính trị của mình hơn là giải cứu những người thân yêu của họ.

Xung đột Israel-Hamas đã kéo dài nửa năm và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza. Đáng lo ngại, xung đột đang có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực. Người dân Gaza đang trông chờ những hành động hòa giải cụ thể của cộng đồng thế giới. Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, người dân Palestine vẫn sẽ phải gánh chịu những đau thương và triển vọng xây dựng một nền hòa bình lâu dài dựa trên giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa người Palestine và người Israel còn mờ nhạt./.

T.Lan (theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực