Giá dầu đi xuống trong phiên đầu tuần

Thứ hai, 13/11/2023 16:38
(ĐCSVN) – Tại phiên giao dịch sáng ngày 13/11, giá dầu thế giới giảm trước những lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc.
Giá dầu thế giới giảm trước những lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchang, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2024 giảm 35 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống mức 81,08 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12 giảm 35 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 76,82 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu này tăng gần 2% trong phiên cuối tuần trước, sau khi Iraq lên tiếng ủng hộ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, hay còn gọi là OPEC+. Nhưng giá dầu Brent và dầu WTI lại giảm khoảng 4% tính chung cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm dầu tiên kể từ tháng 5.

Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch công ty NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities nhận định, “các nhà đầu tư đang tập trung hơn vào tình hình nhu cầu yếu tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do xung đột tại Israel đã dịu xuống phần nào”.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tuần trước cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ tăng ít hơn một chút so với dự đoán trước đó, trong khi nhu cầu sẽ giảm xuống.

Số liệu kinh tế yếu được Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố tuần trước cũng làm gia tăng những lo ngại về nhu cầu sụt giảm tại quốc gia này. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã yêu cầu nhập khẩu dầu ít hơn trong tháng 12 từ Ả rập Xê út – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Hiroyuki Kikukawa nhận định, giá dầu sẽ được hỗ trợ nếu WTI đạt mức 75 USD/thùng. Ông cho biết, “Nếu thị trường giảm sâu hơn, chúng ta có thể sẽ thấy lực mua được hỗ trợ do kỳ vọng rằng Ả rập Xê út và Nga sẽ quyết định tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện sau tháng 12”.

Về phía nguồn cung, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số giàn khoan hoạt động trong tuần thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Trước đó,  tại cuộc họp chính sách ngày 4/10, OPEC+ đã không đưa ra thay đổi nào đối với chính sách sản lượng dầu của nhóm cho đến cuối năm 2024.

Theo đó, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) thuộc OPEC+ đã khuyến nghị các nước thành viên duy trì chiến lược cắt giảm sản lượng hiện nay sau khi 2 nước xuất khẩu dầu hàng đầu là Ả rập Xê út và Nga tuyên bố tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng để giữ giá.

Trong thông báo đưa ra sau hội nghị trực tuyến, OPEC+ cho biết, JMMC tái khẳng định “cam kết của các nước thành viên” nhằm tiếp tục duy trì chiến lược giảm sản lượng tới cuối năm 2024. JMMC cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết ở bất kỳ thời điểm nào, phụ thuộc các điều kiện thị trường. 

Cuộc họp tiếp theo của JMMC diễn ra vào ngày 26/11 trước thềm cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước thành viên OPEC+. JMMC không có quyền đưa ra quyết định nhưng có nhiệm vụ thảo luận về các điều kiện thị trường và đưa ra những khuyến nghị để thảo luận chính thức tại cuộc họp cấp Bộ trưởng của OPEC+./.

H.Hà (Theo Reuters, Business Standard)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực