|
Nhiều bậc phụ huynh ở Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại việc sớm mở cửa trở lại trường học có thể chưa an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu tiếp tục bùng phát
(Ảnh: Bangkok Post)
|
Chỉ trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 216.134 ca nhiễm mới, và thêm 3.826 ca tử vong. Số ca mắc bệnh tại Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới đã lên đến 6.508.416 ca sau khi nước này có thêm 22.746 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Mỹ đã ghi nhận 193.913 ca tử vong, 3.785.297 ca bình phục.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã lên tới 7.975.943 sau khi có thêm 118.301 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Khu vực này đã ghi nhận tổng số 155.402 ca tử vong. Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc nhiều nhất châu lục và đứng thứ hai thế giới, với 4.367.436 ca, trong đó 73.923 ca đã tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, quốc gia này ghi nhận thêm 89.852 ca tử vong.
Sau Ấn Độ, Iran có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 châu lục, với các con số lần lượt là 391.112 ca nhiễm và 22.542 ca tử vong. Tiếp đến là Bangladesh với 329.251 ca nhiễm và 4.552 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch. Ngày 8/9, Bộ Y tế hai nước công bố số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh cho biết hai nước này đều ghi nhận thêm hơn 3.000 ca nhiễm trong ngày, cụ thể 3.046 ca tại Indonesia và 3.260 ca tại Philippines. Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo có thêm 100 ca tử vong, trong khi Philippines ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Đến nay, Philippines ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 241.987 ca và 3.916 ca, trong khi con số này của Indonesia là 200.035 ca nhiễm và 8.230 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 100 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất kể từ khi áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) từ ngày 10/6. Trong khi đó, Brunei và Campuchia không ghi nhận ca nhiễm mới.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc trải qua ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức dưới 200 ca/ngày. Cụ thể trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 136 ca mới, nâng tổng số ca lên 21.432 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 8/9 cho biết chỉ tính riêng trong hai tuần qua, nước này đã ghi nhận 52 vụ lây nhiễm tập thể, tăng gấp 5 lần so với đầu tháng 8. Đặc biệt, địa điểm phát sinh các ổ dịch này không chỉ là các cơ sở tôn giáo như trước đây mà còn xuất hiện thêm ở những nơi tập trung đông người như các cơ sở y tế, nơi tập luyện thể thao... với nhiều hình thức tụ tập khác nhau như họp câu lạc bộ, gặp gỡ giao lưu. KCDA lo ngại khi liên tiếp phát sinh các hình thức lây nhiễm tập thể thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà dành cho người cao tuổi bởi nếu các ca nhiễm là người cao tuổi thì nguy cơ bệnh diễn biến nguy kịch là rất cao. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả là ca nhập cảnh. Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trước chiều hướng tích cực của tình hình dịch bệnh. Các cuộc tụ tập được phép 4 người tham gia, thay vì 2 người như trước đây, số người được ngồi cùng nhau ăn uống trong nhà hàng sẽ tăng lên 4 người. Một số trung tâm giải trí cũng được mở cửa trở lại từ ngày 11/9. Tại Nhật Bản, các nguồn tin chính phủ cho biết nước này có kế hoạch nới lỏng quy định hạn chế số lượng người có mặt tại các hội thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc hay các sự kiện khác vào cuối tháng này, trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm trên toàn quốc.
Châu Âu hiện ghi nhận 3.867.241 ca mắc COVID-19, trong đó có 210.744 ca tử vong. Nga, Tây Ban Nha, Anh là ba quốc gia dẫn đầu danh sách số ca mắc COVID-19 trong khu vực với lần lượt số ca mắc bệnh là 1.035.789; 534.513; 352.560. Trong đó, tại Anh, những quy định mới về thắt chặt việc giãn cách xã hội trên cả nước sẽ được công bố trong ngày 9/9. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Thủ tướng Boris Johnson nhằm kiểm soát tình hình ca mới mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng ở Anh. Theo đó,từ ngày 14/9, chính phủ cấm tụ tập nhóm có hơn 6 người và sẽ đưa ra án phạt cho những người không tuân thủ. Quyết định trên được đưa ra trong thời điểm các ca mới mắc COVID-19 tại Anh tăng mạnh trong những ngày qua. Dù việc xét nghiệm đã được mở rộng và số lượng người nhập viện thấp hơn thời điểm đỉnh dịch nhưng chính phủ Anh lo ngại mọi thứ có thể mất kiểm soát.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận tình hình dịch bệnh tại nước này đang rất đáng quan ngại, với số ca nhiễm mới trong 1 ngày liên tục ở mức cao nhất. Tuy nhiên, theo ông, Pháp vẫn có thể tránh được nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2, bởi tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 1.2, tức là thấp hơn nhiều so với mức 3.2 - 3.4 vào thời điểm mùa Xuân. Điều này có nghĩa sự lây lan của virus đang chậm lại. Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cho biết chính phủ nước này đang đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp đi lại phù hợp nhằm hạn chế các vấn đề mà du khách hoặc các hãng lữ hành có thể gặp phải. Hiện Tây Ban Nha cũng đang thảo luận với Anh và EU về việc xem xét cả những yếu tố khác, ngoài số ca nhiễm, để đưa ra quyết định về việc áp đặt biện pháp cách ly đối với du khách.
Tại Bắc Mỹ, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 7.731.323 ca sau khi khu vực này ghi nhận thêm 30.611 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện đã có 281.757 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ chiếm tới hơn 85% số ca mắc COVID-19 ở khu vực này. Tiếp theo đó là Mexico với 637.509 ca nhiễm, 67.781 ca tử vong. Canada cũng ghi nhận con số 133.748 ca nhiễm, trong đó 9.153 ca đã tử vong.
Nam Mỹ ghi nhận 6.773.174 ca nhiễm sau khi có thêm 24.131 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 219.879 ca đã tử vong. Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm và ca tử vong với con số lần lượt là 4.162.073 và 127.464. Riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 14.279 ca nhiễm, 463 ca tử vong.
Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 8.395, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 1.319.296, trong đó 31.784 ca đã tử vong. Nam Phi là quốc gia đứng đầu trong khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 640.441 ca, trong đó 15.086 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương có thêm 64 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 29.489 ca, trong đó có 801 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới của khu vực này trong 24 giờ qua, Australia có tới 52 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 26.374, trong đó có 770 ca tử vong./.