Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài

Thứ hai, 06/01/2020 15:55
(ĐCSVN) – Quốc hội Iraq vừa phê chuẩn một nghị quyết nhằm chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài (gồm cả quân đội Mỹ) tại quốc gia Trung Đông này, cũng như đảm bảo rằng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq sẽ không bị quân đội nước ngoài lợi dụng vì bất cứ lý do gì.

Chỉ huy đặc nhiệm Iran thiệt mạng trong vụ không kích sân bay Baghdad

leftcenterrightdel
Phiên họp bất thường của Quốc hội Iraq. Ảnh: Reuters. 

Nghị quyết trên được các nhà làm luật Iraq thông qua chỉ vài ngày sau khi lực lượng Mỹ không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qasem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini thiệt mạng.

Ngay sau vụ tấn công trên, Thủ tướng tạm quyền Iraq Adel Abdul-Mahdi đã triệu tập một phiên họp Quốc hội bất thường nhằm khẳng định lập trường chính thức của Iraq, đồng thời thực hiện các bước đi cần thiết về mặt pháp lý để bảo toàn giá trị, an ninh và chủ quyền của Iraq.

Trong khi đó, việc Quốc hội thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài tại Iraq cũng sẽ “bật đèn xanh” cho Chính phủ đàm phán với Mỹ về tương lai của số binh sỹ nước này đồn trú tại Iraq – một chủ đề mà vốn từ lâu đã gây ra nhiều tranh cãi. Thời gian qua, Mỹ đã triển khai khoảng hơn 5.000 quân tới Iraq để hỗ trợ nước chủ nhà trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và hỗ trợ đào tạo, cố vấn cho các lực lượng Iraq.

Trong phiên họp Quốc hội bất thường được triệu tập ngày 5/1, các nhà làm luật Iraq đã trích dẫn Điều 59 và 109 trong Hiến pháp, đồng thời thực hiện trách nhiệm bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước để thông qua 1 dự luật 5 điểm với những nội dung như sau:

Thứ nhất: Chính quyền trung ương Iraq có nghĩa vụ hủy bỏ yêu cầu đối với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại IS trên bộ, với lý do rằng, giờ đây các hoạt động quân sự tại Iraq đã kết thúc, và cuộc chiến chống IS cũng đã giành thắng lợi. Chính vì thế, chính phủ cần chấm dứt sự hiện diện của tất cả quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq, đồng thời ngăn chặn việc quân đội nước ngoài sử dụng không phận của Iraq.

Thứ hai: Chính phủ và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq phải tuyên bố về số lượng nhân viên đào tạo nước ngoài cần thiết, cùng với địa điểm hoạt động, trách nhiệm và thời hạn thực hiện thỏa thuận.

Thứ ba: Ngoại trưởng sẽ đại diện cho chính phủ Iraq đệ đơn kiện Mỹ có hành động vi phạm chủ quyền và an ninh Iraq lên Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thứ tư: Chính phủ Iraq được yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ không kích mới đây do Mỹ thực hiện tại Baghdad và thông báo kết quả cho Quốc hội trong vòng 7 ngày, kể từ sau thời điểm nghị quyết được thông qua.

Thứ năm: Bản nghị quyết này có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

Phát biểu trước Quốc hội, ngày 5/1, Thủ tướng tạm quyền Iraq Adel Abdul-Mahdi khẳng định, các lợi ích của Iraq và Mỹ đang có sự khác biệt sâu sắc và niềm tin trong mối quan hệ đôi bên cũng đã bị phá vỡ.

Theo quan điểm của ông Mahdi thì không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền nước này, sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh tại Iraq, trong khu vực cũng như trên thế giới. Ông Mahdi cũng nói thêm rằng cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện đối với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền.

Tuy nhiên, những động thái trên của các nhà luật Iraq dường như vẫn chưa thể xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận nước này trước vụ Mỹ không kích sân bay ở Baghdad nhằm tiêu diệt các tướng lĩnh cấp cao của Iraq và Iran vào cuối tuần trước. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/1, Giáo sĩ người Iraq có uy tín lớn trong cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite là ông Moqtada al-Sadr cho rằng, việc Quốc hội ra nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài Iraq là “chưa đủ”, đồng thời lên tiếng kêu gọi các nhóm bán quân sự ở Iraq và các nơi khác đoàn kết lại để chống Mỹ. Trong bức thư gửi lên Quốc hội, ông Sadr cho rằng, Iraq cần ngay lập tức hủy bỏ thỏa thuận an ninh với Mỹ và đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq, trục xuất binh sỹ Mỹ và cấm các hoạt động liên hệ với chính phủ Mỹ.

Cho dù đã quay trở lại chiến trường Iraq vào năm 2014 dưới danh nghĩa của một cuộc chiến chống khủng bố, song tầm ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này đã bị giảm đáng kể ngay từ khi rút quân khỏi Iraq năm 2011 sau 8 năm tham chiến. Bước đi mới nhất này của các nhà làm luật Iraq không chỉ đẩy Tổng thống D.Trump vào một tình thế khó trước thời điểm bước vào cuộc tái tranh cử mà còn dự báo trước một “bước thụt lùi” về vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Hiện Mỹ chỉ còn lại hai sự lựa chọn 1 là rút quân khỏi Iraq và để cho mối quan hệ giữa Iraq và Iran ngày càng xích lại gần nhau hơn, hai là tiếp tục ở lại Iraq trong một tâm thế “không được chào đón” và chìm sâu vào cuộc đối đầu với Iran. Mối quan hệ căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Iran đang làm dấy lên nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Iraq. Bầu không khí Trung Đông vẫn tiếp tục bị đốt cháy sau một năm chìm trong khói lửa./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực