Kinh tế Eurozone tăng trưởng cao hơn dự báo

Thứ ba, 01/08/2023 15:30
(ĐCSVN) – Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/7 cho thấy, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý II/2023 đã đạt mức tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó, cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia.
Eurozone kết thúc chuỗi tăng trưởng âm sau 2 quý liên tiếp. (Ảnh: Bloomberg) 

Kinh tế Eurozone đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt dự kiến, trong khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.

Sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Pháp và Tây Ban Nha, được coi là động lực quan trọng giúp Eurozone thoát khỏi giai đoạn suy thoái trong 2 quý trước đó. GDP của Pháp ghi nhận mức tăng trưởng 0,5% trong quý II/2023, trong khi Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng 0,4%.

Tuy vậy, kinh tế khu vực đồng euro vẫn đứng trước triển vọng không mấy khả quan do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế trì trệ ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. GDP của Đức không tăng trưởng trong quý II/2023, sau khi đã giảm liên tiếp 0,5% và 0,3% trong các quý trước đó. Giới chuyên gia lo ngại cường quốc sản xuất của châu Âu có thể trở thành lực cản đối với nền kinh tế Eurozone trong năm nay.

Một báo cáo khác mới công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát toàn phần tại Eurozone trong tháng 7 ghi nhận mức tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 5,5% trong tháng 6. Tuy nhiên, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm vẫn đặc biệt cao, được ghi nhận ở mức 10,8%. Ngoài ra, so với tháng 6, chỉ số giá cả tiếp tục tăng rõ rệt ở một số lĩnh vực như các mặt hàng công nghiệp tăng 5% và dịch vụ tăng 5,6%.

Dữ liệu trên được công bố vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nâng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,75% - mức cao nhất trong 23 năm qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp trong vòng một năm của ECB nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ngân hàng này có thể tiếp tục có một đợt tăng lãi suất mới vào tháng 9 tới đây nhằm đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về mức 2% trong trung hạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB đang đè nặng lên hoạt động của nền kinh tế châu Âu, do làm giảm nhu cầu tín dụng, làm cản trở đầu tư và tiêu dùng./.

H.Hà (Theo euronews.com, Financial Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực