|
Khói bốc lên sau các cuộc tấn công trên đỉnh đồi bên ngoài Stepanakert, thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, vào ngày 19/9. Ảnh: AFP |
Trong thông điệp đưa ra cùng ngày, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách châu Âu, Trung Á và châu Mỹ - ông Miroslav Jenca đã kêu gọi các bên chấm dứt mọi hoạt động thù địch theo cách đáng tin cậy và lâu dài. Bởi theo ông Jenca, bất kỳ diễn biến leo thang tiếp theo nào không chỉ gây ra thêm thương vong và đau khổ cho con người, mà còn cản trở các nỗ lực thúc đẩy hòa bình của cộng đồng quốc tế.
Việc bảo vệ và bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của dân thường, bao gồm cả quyền con người của họ, phải là ưu tiên hàng đầu. Chính vì lẽ đó, ông Jenca cho rằng, việc thúc đẩy các cuộc đối thoại thực sự giữa Chính phủ Azerbaijan và các đại diện trong khu vực, cùng với vai trò tham gia đầy đủ vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan là con đường bền vững duy nhất phía trước. Dựa trên Tuyên bố năm 2020, Tổng thư ký António Guterres kêu gọi tất cả bên liên quan “tuân thủ nghiêm ngặt” lệnh ngừng bắn và tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
Nhằm hỗ trợ tiến trình này, Ban Thư ký Liên hợp quốc sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên liên quan, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực hòa bình khi cần thiết. Ngoài ra, Ban thư ký Liên hợp quốc cũng sẵn sàng tiến hành đánh giá nhu cầu nhân đạo, nếu được tiếp cận và cung cấp các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Trước đó, ngày 19/9, Azerbaijan tuyên bố phát động chiến dịch chống khủng bố ở khu vực Nagorno-Karabakh tranh chấp với Armenia, trong một động thái có nguy cơ khiến quan hệ giữa hai láng giềng thêm căng thẳng. Đây là phản ứng mạnh mẽ của Baku sau vụ việc 4 cảnh sát và 2 dân thường Azerbaijan đã thiệt mạng trong các vụ nổ mìn được cho là do lực lượng vũ trang Armenia thực hiện.
Ông Jenca dẫn các tuyên bố chính thức cho biết, Azerbaijan đã thông báo cho lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và Trung tâm giám sát chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động của nước này nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích quy mô lớn của lực lượng vũ trang Armenia, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự và đảm bảo việc rút quân cũng như khôi phục trật tự Hiến pháp của Cộng hòa Azerbaijan.
|
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách châu Âu, Trung Á và châu Mỹ Miroslav Jenca. (Ảnh: UN) |
Các diễn biến cho thấy sự leo thang nghiêm trọng trong các hoạt động quân sự với các báo cáo về việc lực lượng Azerbaijan đã vượt qua khu vực đường tiếp xúc. Báo cáo về thương vong (gồm cả trong dân thường) cũng đã được ghi nhận cũng như hàng nghìn người trong khu vực phải sơ tán. Ông Jenca cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga cũng đã hứng chịu thương vong, trong khi lực lượng này cũng ghi nhận nhiều hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, theo ông Jenca, lực lượng của Liên hợp quốc – vốn không duy trì hiện diện ở đường tiếp xúc cũng như các khu vực khác dưới sự ủy quyền của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, không có thẩm quyền xác minh hoặc xác nhận những tuyên bố và cáo buộc khác nhau này.
Đại diện Liên hợp quốc cho rằng, những diễn biến trong vài ngày qua nên được nhìn nhận trong bối cảnh các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn vẫn thường xuyên diễn ra, thậm chí ở phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, đến ngày 20/9, Liên hợp quốc đã ghi nhận việc chấm dứt các hành vi thù địch, cho dù tình hình trên thực địa vẫn còn rất mong manh.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã căng thẳng trong nhiều năm qua do những bất đồng về khu vực Nagorno-Karabakh, với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột giữa hai láng giềng vẫn tiếp diễn.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để giải quyết tranh chấp song chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp./.