|
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres. (Nguồn: Getty Images) |
Trong tuyên bố cùng ngày, phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc – ông Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Người đứng đầu Liên hợp quốc đang theo dõi với sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến ở Mali, bao gồm cả cuộc binh biến mà đỉnh điểm là vụ bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng một số thành viên trong Chính phủ tại thủ đô Bamako… Tổng thư ký Liên hợp quốc mạnh mẽ lên án những hành động tương tự, đồng thời kêu gọi ngay lập tức khôi phục trật tự Hiến pháp và pháp quyền tại Mali. Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Liên hợp quốc yêu cầu trao trả tự do cho Tổng thống Keita cùng các thành viên trong Nội các Mali ngay lập tức và vô điều kiện”.
Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp qua thương lượng, giải quyết khác biệt thông qua hòa bình. Ông Guterres bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mali, gồm cả hình thức thông qua văn phòng của đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc.
“Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng quốc phòng và an ninh, thực hiện kiềm chế tối đa, giữ vững nhân quyền và quyền tự do cá nhân của tất cả công dân Mali” – tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ.
Binh biến ở Mali, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức
|
Toàn cảnh vụ binh biến ở Mali khiến Tổng thống Keita bị bắt giữ và tuyên bố từ chức. (Video: aljazeera) |
Trước đó cùng ngày, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bomaka, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali xác nhận Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse bị giam giữ tại căn cứ quân sự ở thị trấn Kati.
Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội. Ông Keita bị bắt giữ tại nhà riêng, sau nhiều tháng các bùng phát các cuộc biểu tình trên diện nhằm phản đối tình trạng tham nhũng và an ninh ngày một xấu tại quốc gia Tây Phi này.
Với vẻ mặt mệt mỏi, điềm tĩnh sau lớp khẩu trang, vị Tổng thống 75 tuổi của Mali cho biết quyết định từ chức – được đưa ra sớm hơn 3 năm trước khi nhiệm kỳ cuối cùng của ông kết thúc, sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
“Tôi ước gì sẽ không có máu đổ để giúp tôi giữ lại quyền lực…Tôi đã quyết định từ chức” – ông Keita nói.
Những thông tin về sự rút lui của ông Keita khỏi cương vị Tổng thống đã được người biểu tình chống chính phủ đón nhận trong vui mừng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đứng đầu cuộc đảo chính quân sự ở Mali lại thông báo về kế hoạch tiến hành một cuộc chuyển giao chính trị và và bầu cử theo giai đoạn trong “một thời gian hợp lý”.
Các binh sỹ tham gia đảo chính đã tự xưng là Ủy ban Cứu quốc của Nhân dân và xuất hiện trên truyền hình nhà nước cùng với lời cam kết ổn định tình hình đất nước.
“Chúng tôi không nắm quyền mà đang giữ lại sự ổn định của đất nước… Điều này sẽ cho phép chúng tôi tổ chức các cuộc Tổng tuyển cử trong một khung thời gian hợp lý nhằm xây dựng cho đất nước Mali những thể chế mạnh mẽ, có thể quản lý tốt hơn cuộc sống hàng ngày của người dân và khôi phục lòng tin giữa chính phủ và nhân dân” - ông Ismail Wague, Phó tham mưu trưởng Không quân Mali nói.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã tỏ rõ quan ngại, trong khi ECOWAS lên án cuộc binh biến ở Mali và tuyên bố sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có trừng phạt tài chính. Dự kiến, trong chiều 19/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập phiên họp thảo luận về tình hình Mali, nơi đồn trú của 15.600 binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.