Liên hợp quốc tổ chức tái định cư cho hàng nghìn người tị nạn Nam Sudan

Thứ tư, 05/09/2018 18:47
(ĐCSVN) – Gần 3.500 người dân mất nhà cửa vì bạo lực ở Nam Sudan đã được tái định cư trong một nỗ lực của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) và các tổ chức nhân đạo khác.

Hàng nghìn người trú ngụ trong trại tị nạn của Liên hợp quốc
được đưa đến khu định cư mới. (Ảnh: UNMISS)

Theo báo cáo đưa ra ngày 4/9 của UNMISS, 3.500 người dân phải di dời nhà cửa ở trong nước – những người đang trú ngụ tại điểm Bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc (PoC), đã được đưa tới điểm tái định cư mới ở Mangateen, gần trung tâm thủ đô Juba.

Theo Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là người đứng đầu UNMISS – ông David Shearer, đây là đợt di chuyển người tị nạn đầu tiên ra khỏi trại Bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc. Đa phần những người được chuyển đến khu tái định cư mới là phụ nữ và trẻ em. Họ bày tỏ mong muốn được đoàn tụ với các thành viên khác trong gia đình và rất vui mừng khi được hòa nhập với cộng đồng rộng lớn hơn.

Quá trình di dời người dân nói trên được thực hiện sau một nỗ lực đàm phán và chấm dứt các vụ đụng độ giữa các nhóm dân cư khác nhau trong trại tị nạn. UNMISS và các tổ chức nhân đạo đã nhanh chóng phối hợp để thiết lập khu tái định cư mới Mangateen với các nguồn cung cấp nước sạch, các dịch vụ vệ sinh và y tế. Cơ sở mới này được quản lý bởi Ủy ban Cứu trợ và Phục hồi của Nam Sudan.

Nam Sudan là quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới, sau khi tách khỏi Sudan vào tháng 7/2011. Tuy nhiên, hầu hết thời gian kể từ sau thời điểm đó, quốc gia này rơi vào nội chiến, buộc hơn 4 triệu người phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước hoặc sang các quốc gia láng giềng. Trong đó, gần 200.000 người hiện đang trú ngụ tại các điểm Bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc trên cả nước.

Nhiều thỏa thuận hòa bình đã được hai bên đối lập là Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar ký kết nhưng đều bị phá vỡ. Thời gian gần đây, các cuộc đàm phán đã đi đến một số kết quả khả quan, tuy nhiên thỏa thuận hòa bình cuối cùng nhằm chấm dứt chiến tranh giữa hai bên vẫn chưa được ký kết./.

Kiều Giang (theo UN, Relief Web)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực