MSC 56: Thách thức an ninh liệu có được giải quyết?

Thứ hai, 24/02/2020 15:45
(ĐCSVN) - Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 56 được tổ chức tại Đức (từ ngày 14-16/2) nhằm tìm ra các giải pháp cho vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, trong bối cảnh thế giới đương đầu với hàng loạt nguy cơ từ các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu hay dịch bệnh. Thế nhưng, ngoài không khí khá cởi mở và thẳng thắn trong hội nghị, vẫn còn sự chia rẽ và bất đồng...

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 kéo dài 3 ngày vẫn chưa đủ để thảo luận
tất cả các vấn đề nóng trên thế giới. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Từ những động thái “thiếu trách nhiệm”…

 Tại MSC lần thứ 56, một loạt vấn đề an ninh đã được đề cập để giải quyết. Ở cấp độ toàn cầu, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; căng thẳng Mỹ - Nga; kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt; Mỹ, Nga rút khỏi hiệp ước INF; quan hệ xuyên Đại Tây Dương và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch Covid-19…

 Ở cấp độ khu vực, những vấn đề an ninh nổi bật là vấn đề Trung Đông, quan hệ Mỹ - Iran, quan hệ Israel - Palestine xung quanh Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xung đột ở Ukraine, vấn đề Libya, Yemen, Syria, Afghanistan, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga…

 Các chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất trong các thách thức an ninh hiện nay là bất bình đẳng, mất dân chủ trong quan hệ quốc tế. Theo đó, một số cường quốc tự cho mình quyền bất chấp luật pháp quốc tế khiến một số quốc gia, đặc biệt nước nhỏ, phải chịu nhiều sức ép trong thiết kế và tiến hành các mối quan hệ song phương và đa phương.

 Cùng với đó là thách thức từ sự phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi bản chất hợp tác quốc tế cũng như các thách thức từ “bộ ba” đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đặt ra. Trong khi đó, tính hiệu lực và khả thi của Hiến chương Liên hợp quốc, hệ thống luật pháp, các định chế quốc tế trên tất cả các lĩnh vực bị đe dọa.

 Các thách thức an ninh đang nổi lên, trong khi 3 cường quốc thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga được cho là chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm, khiến thế giới bất ổn, khó đoán định. Tại hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chỉ trích cả 3 quốc gia trên trong cách ứng phó với một số vấn đề, gây mất an ninh và ngờ vực lẫn nhau thông qua sự cạnh tranh “quyền lực lớn”.   

 Theo ông Steinmeier, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump đã góp phần làm đảo lộn trật tự thế giới và làm gia tăng sự bất ổn. Việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và đưa lực lượng quân sự đến gần châu Âu cũng tạo ra sự đối đầu và mất lòng tin. Còn Trung Quốc lại chỉ chấp nhận luật pháp quốc tế một cách có lựa chọn khi nó không đi ngược lại lợi ích của chính nước này, cùng với những động thái không phù hợp trên Biển Đông.

 Mặc dù Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố mong muốn có định chế ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân, cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược; khẳng định sẵn sàng chia sẻ và hợp tác đối với những vấn đề nhân đạo như: chống đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nên khả năng hợp tác của các nước trên thực tế vẫn còn còn cách xa nhau.

 Đến sự bất đồng và vai trò nước lớn suy giảm…

 Tại MSC lần này, sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc nổi lên liên quan đến công ty viễn thông Huawei và vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Trung Quốc tìm cách sử dụng các công nghệ mới nổi để thay đổi cục diện quyền lực và định hình lại thế giới theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

 Theo ông Esper, Huawei là mối đe dọa đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các đồng minh châu Âu cần gạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ra khỏi mạng viễn thông 5G mới của các nước này. Bắc Kinh còn "mượn" trí tuệ phương Tây và theo đuổi lợi thế bằng mọi cách. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ chỉ trích của Mỹ, cho rằng những cáo buộc này là “dối trá”.

 Những bất đồng diễn ra trong hội nghị lần này còn có cả nội bộ các nước phương Tây. Trong khi Wasington khẳng định vai trò quan trọng của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho EU thông qua việc củng cố lực lượng NATO và đi đầu trong nỗ lực đa quốc gia nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo lắng trước việc Mỹ đang rút dần vai trò trên trường quốc tế.

 Theo các nhà lãnh đạo châu Âu, từ khi lên nắm quyền, với chiến lược “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng như: Thỏa thuận hạt nhân Iran; Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; đơn phương áp đặt Kế hoạch hòa bình Trung Đông… khiến nhiều giá trị toàn cầu bị đảo lộn và làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cùng với đó là sự nổi lên của các cường quốc mới khiến vai trò của phương Tây có nguy cơ bị đe dọa.

 Pháp và Đức đều cho rằng EU cần xây dựng một “liên minh an ninh và quốc phòng châu Âu”, coi đây như một trụ cột mạnh mẽ của châu Âu trong NATO, đồng thời cần phải can dự mạnh mẽ hơn trong cuộc xung đột quốc tế, kể cả vấn đề Iraq, Libya hay ở Sahel. Ngoài ra, châu Âu còn phải tìm câu trả lời có chủ quyền trong việc bảo vệ khí hậu, sự phát triển của mạng di động 5G mới và trí tuệ nhân tạo (AI).

 Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, dù vẫn phải cảnh giác với các chiến lược gây bất ổn của Nga, nhưng châu Âu cần có sự tiếp cận gần hơn với Moscow và lựa chọn duy nhất là đối thoại chiến lược với Nga nhằm định hình một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu.

 Theo giới quan sát, dường như Mỹ đang đứng ở một phía còn châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đứng về một phía phản đối Washington. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, cho đến nay vẫn chưa có kịch bản nào hoàn hảo hơn việc Mỹ tham gia với tư cách một thành viên đầy đủ đối với an ninh châu Âu, nhất là trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng lớn với Nga và Trung Quốc.

 Như vậy, tuy còn có những bất đồng nhưng không khí khá cởi mở và thẳng thắn cũng là một thành công của hội nghị MSC lần này. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo vai trò của phương Tây cũng như các cường quốc thế giới trong việc nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giải quyết các thách thức, tạo dựng và bảo vệ môi trường an ninh toàn cầu./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực