Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO

Thứ tư, 08/07/2020 15:44
(ĐCSVN) – Bằng việc gửi thông báo lên Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ đã chính thức khởi động tiến trình cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn thế giới.
Mỹ chính thức khởi động tiến trình cắt đứt quan hệ với WHO. (Nguồn: AFP) 

Động thái trên của Mỹ được dự báo là không những sẽ tạo ra những thách thức trong nỗ lực ứng phó của WHO trước đại dịch COVID-19 mà còn gây ra những khó khăn cho chính nước Mỹ trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Ở một phạm vi rộng hơn, quyết định mới nhất của Mỹ còn được cho là sẽ “tái định hình” các mối quan hệ ngoại giao trong lĩnh vực y tế cộng đồng.

Mỹ sẽ “tuyệt giao” với WHO từ ngày 6/7/2021

Theo thông báo gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/7/2021. Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cũng đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Tổng thư ký Liên hợp quốc có thẩm quyền xác minh với WHO mức độ đáp ứng các điều kiện trên của Mỹ.

Ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO với cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Trước đó, ông D.Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO được người đứng đầu Nhà Trắng đánh giá là "đáng thất bại" đối với dịch COVID-19. Còn trong bức thư đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO, ông D.Trump tuyên bố tổ chức này có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.

Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO tại Vườn Hồng, ngày 29/5. (Video: Reuters) 

Những thách thức đang đón chờ ông D.Trump

Hiện vẫn chưa rõ liệu sau khi đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ và ngừng tài trợ cho WHO, thì Tổng thống D.Trump sẽ hành động như thế nào để qua được “ải” Quốc hội Mỹ. Ngay từ những ngày đầu tiên khi mà ý tưởng này được ông D.Trump đưa ra, nhiều nhà làm luật của phe Dân chủ đã coi đây là một hành động phi pháp và cảnh báo sẽ cản đường Tổng thống.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 7/7, ứng cử viên Tổng thống của phe Dân chủ Joe Biden cũng cam kết rằng ông sẽ ngay lập tức đưa Mỹ quay trở lại WHO và “khôi phục vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên trường quốc tế”. Theo quan điểm của cựu Phó Tổng thống Biden thì “người Mỹ sẽ được an toàn hơn nếu như nước Mỹ đóng vai trò trong một hệ thống y tế toàn cầu mạnh mẽ”.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez xác nhận chính quyền ông D. Trump đã thông báo cho Quốc hội về việc Mỹ rút khỏi WHO. Tuy nhiên, thành viên này của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bày tỏ lập trường không tán thành với hành động của Tổng thống, gọi cách ông D.Trump phản ứng với COVID-19 là hỗn loạn và rời rạc là chưa đủ. Ông Menendez cho rằng, hành động của ông Trump không bảo vệ cuộc sống hay lợi ích của người Mỹ mà sẽ khiến bệnh tật ở nước Mỹ nhiều hơn và Mỹ sẽ đơn độc một mình.

Không chỉ đối mặt với những chỉ trích trong nước, việc Tổng thống D.Trump cắt đứt quan hệ với WHO vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới đã trở thành một đề tài gây nhiều tranh cãi và có nguy cơ làm “sứt mẻ” mối quan hệ giữa Mỹ cùng các đồng minh truyền thống.

Ngày 30/6, đã có một nhóm gồm hơn 700 chuyên gia về y tế cộng đồng toàn cầu và các nhà làm luật kêu gọi Mỹ rút lại quyết định trên cùng với thông điệp cảnh báo rằng, việc cắt đứt nguồn tài trợ cho WHO vào thời điểm đại dịch lan rộng sẽ là một hành động nguy hiểm không chỉ đối với nền y tế toàn cầu mà còn ngay cả các lợi ích của nước Mỹ. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, việc Mỹ rời khỏi WHO sẽ khiến Mỹ và các nước khác phải hứng chịu những “tổn thất về sinh mạng”.

“Lối đi riêng nào” để nước Mỹ ứng phó với COVID-19?

Mỹ đang là "điểm nóng" về COVID-19 trên thế giới. (Ảnh: ABC News)

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Không những mang lại nguồn hỗ trợ tài chính “hào phóng”, nhiều công dân Mỹ đang đảm đương những vị trí quan trọng tại WHO. Việc Mỹ rút nhân sự và ngừng tài trợ cho WHO sẽ khiến vị thế của Washington tại tổ chức y tế này bị giảm sút, cũng như tác động nghiêm trọng tới những sáng kiến hỗ trợ y tế, nhất là tại các nước đang phát triển.

Hơn thế nữa, việc Mỹ không còn tham gia vào cơ chế hoạt động của một tổ chức đa phương như WHO cũng khiến cho nước này không còn tham gia vào các tiến trình đối thoại về ứng phó với COVID-19, phát triển vắc-xin hay nguy cơ về những mối đe dọa phát sinh trên thế giới.

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 12 triệu người. Với hơn 3 triệu ca nhiễm ghi nhận vào thời điểm hiện tại, Mỹ đang là “tâm điểm” đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, con số này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi một số bang của Mỹ tiến hành lệnh gỡ bỏ phong tỏa.

Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến ngày 6/7, Thị trưởng thành phố Houston Sylvester Turner cho biết, các bệnh viện đang phải tiếp nhận một số lượng không ngừng tăng các bệnh nhân nhiễm COVID-19. “Nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, thì chỉ khoảng 2 tuần nữa, hệ thống bệnh viện của chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng” – ông Turner nói.

Ngày 7/7, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) tại ĐH Washington (Mỹ) dự báo số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ tăng lên ngưỡng 208.000 người vào ngày 1/11, khi mà một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát vào mùa Thu năm nay còn làn sóng lây nhiễm thứ nhất ở nước Mỹ vẫn chưa thực sự kết thúc./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực