Mỹ lại thử tên lửa đạn đạo sau khi rút khỏi INF

Thứ sáu, 13/12/2019 15:58
(ĐCSVN) – Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này vừa thử một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất ở một căn cứ thuộc bang phía Tây California.
leftcenterrightdel
Vụ thử tên lửa của Mỹ được thực hiện từ căn cứ không quân Vandenberg, thuộc bang phía Tây California. (Ảnh: NHK) 

Thông tin trên được Bộ Quốc phòng thông báo ngày 12/12. Đây là vụ thử tên lửa lần thứ hai của Lầu Năm Góc, vốn không được phép theo Hiệp ước cắt giảm các lực lượng hạt nhân (INF) ký kết với Nga năm 1987.

Hôm 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 để thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk. Vụ thử được thực hiện ngay sau khi INF chính thức bị khai tử vào ngày 1/8.

Hiện những thông tin liên quan tới vụ phóng tên lửa của Mỹ vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, trang web Thedrive cho biết, thiết bị tên lửa đã phóng đi vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 12/12/2019, từ căn cứ không quân Vandenberg. Kết quả của cuộc thử nghiệm đang được đánh giá.

Trong một tuyên bố mới đưa ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này sẽ bắt đầu phát triển tên lửa tầm trung sau khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hết hiệu lực để có thể đối phó với Nga và Trung Quốc.

leftcenterrightdel
Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ hai của Lầu Năm Góc, vốn không được phép theo INF. (Video: Stripes/AP)

Hiệp ước INF được cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu lãnh đạo của Liên bang Xô Viết trước đây Mikhail Gorbachev ký kết ngày 8/12/1987 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500 – 1.000 km (tầm ngắn) và từ 1.000 – 5.500 km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây, đóng vai trò là một công cụ “chốt hãm” nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF và dẫn tới quyết định tương tự từ phía Nga. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ bảo toàn INF để tránh kịch bản quay trở lại cuộc chạy đua hạt nhân không bị kiểm soát như đã từng xảy ra trong những ngày “tăm tối” của cuộc chiến tranh Lạnh./.

Thu Lan (NHK, Thedrive)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực