Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (Ảnh: AFP)
Ngày 9/7/2019, nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày đất nước giành độc lập, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã kêu gọi người dân giữ lấy nền hòa bình, đồng thời gửi lời xin lỗi vì những sai lầm của chính phủ sau khi không trả lương cho người lao động vì khủng hoảng kinh tế.
“Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, người dân của chúng tôi tức giận vì những điều kiện sống khó khăn đặt lên họ, do bất ổn an ninh và những khó khăn về kinh tế (…) Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân của tôi, nhân danh chính tôi và nhân danh chính phủ của tôi”, Tổng thống Salva Kiir nói.
Theo ông, thỏa thuận hòa bình chính là chìa khóa để thay đổi tình hình của đất nước.
“An ninh sẽ trở lại Nam Sudan, nền kinh tế của chúng ta sẽ thịnh vượng và chúng ta sẽ có thể cung cấp tốt hơn các dịch vụ quan trọng cho người dân như trường học, nguồn nước uống sạch, tạo việc làm cho người dân”, Tổng thống tin tưởng.
Nam Sudan – quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về kinh tế – xã hội do cuộc xung đột kéo dài. Mâu thuẫn chính trị giữa Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã dẫn đến xung đột bắt đầu từ tháng 12/2013 cho đến nay.
Một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa đại diện Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập vào tháng 9/2018, nhiều tiến bộ đã đạt được nhưng những căng thẳng chính trị vẫn chưa được giải quyết. Nam Sudan hiện vẫn đang trong cuộc khủng hoảng kép, từ chính trị đến các vấn đề kinh tế - xã hội.
Người dân Nam Sudan tại một trại tị nạn ở Sudan (Ảnh: UNHCR)
Sản lượng dầu mỏ - vốn chiếm tới 98% thu nhập của nhà nước đã giảm hơn một nửa kể từ khi đất nước tách khỏi Sudan thành một quốc gia độc lập vào năm 2011. Thời điểm đó, sản lượng dầu mỗi ngày đạt tới 350.000 thùng.
Trong khi đó, gần 7 triệu người (khoảng một nửa dân số Nam Sudan) phải đối mặt với các cấp độ của tình trạng nghèo đói. Khoảng 860.000 trẻ em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Nam Sudan được coi là “cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Phi”, theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Số liệu thống kê từ UNHCR cho thấy, Nam Sudan chiếm tới 14% tổng số người phải di dời nhà cửa ở châu lục – đứng thứ hai sau Syria (chiếm 40%). Hơn 2,3 triệu người Nam Sudan đã phải đi tị nạn ở các quốc gia như Sudan, Ethiopia, Uganda,... kể từ tháng 7/2011./.