Diễn biến này cũng đã đặt ra những câu hỏi về tương lai phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong bối cảnh đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của một yếu tố mà không nước nào trên thế giới nằm trong ngoại lệ - đó là đại dịch COVID-19.
Những thành tựu kinh tế của Nhật Bản sau 8 năm thời Abenomics
|
Việc Thủ tướng Abe Shinzo bất ngờ tuyên bố từ chức đã gây ra những xáo trộn trong thị trường tài chính Nhật Bản. (Ảnh: NHK) |
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã theo đuổi nhiều nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản dựa trên ba “mũi tên”, bao gồm: Huy động tài khóa linh hoạt, các biện pháp tiền tệ và cải cách cơ cấu. Các chính sách được biết đến với tên gọi “Abenomics” đã tỏ ra hiệu quả đặc biệt trên hai khía cạnh, đó là cải thiện giá cổ phiếu và tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản.
Đến cuối năm 2012, chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei luôn dao động quanh mốc 10.000 yên và sau 7 năm thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công, chỉ số này đang được thả nổi quanh mức 23.000 yên. Sự thay đổi này được cho là phụ thuộc rất nhiều vào những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Cuối năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản ở mức trên 4% và cho đến nay, con số mới nhất thống kê được chỉ còn 2,8%. Đây là mức thấp “đáng ngạc nhiên” so với nhiều nước khác trên thế giới trong bối cảnh đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ từ COVID-19. Những thành tựu kinh tế mà ông Abe đạt được trong những năm qua, bao gồm việc hình thành nên một thị trường lao động lành mạnh, cổ phiếu tăng trưởng tốt và thu nhập doanh nghiệp ở mức cao… đã đưa ông trở thành một nhà lãnh đạo nhận được tỷ lệ ủng hộ tương đối ổn định từ phía người dân Nhật Bản. Không những chỉ được biết đến là một nhà lãnh đạo có thời gian tại vị “liên tục” lâu nhất trong lịch sử đất nước mặt trời mọc, ông Abe còn là người mở ra cho nền kinh tế Nhật Bản một “thời kỳ phục hồi dài nhất” kể từ sau Thế chiến II.
Và những thách thức còn hiện hữu…
|
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật vì tác động của đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP). |
Tuy nhiên, thực tế thì không một chiếc chìa khóa nào mở được mọi cánh cửa và những chính sách “Abenomics” cũng không thể mang lại kết quả tuyệt đối khi Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những thách thức rất hiện hữu – đó là vấn đề nợ của chính phủ. Tính đến cuối năm tài khóa 2020, trái phiếu đang lưu hành của chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đạt mức 946 nghìn tỷ yên (tương đương 9,1 nghìn tỷ USD). Con số này lớn hơn rất nhiều so với 105 nghìn tỷ yên thống kê được vào cuối năm tài khóa 2012. Chưa kể tới một số ý tưởng về cải cách quy định vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh, trong khi lạm phát vẫn “kiên định” ở mức thấp hơn mục tiêu 2%.
Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang phải chống đỡ với kịch bản suy giảm chưa từng có tiền lệ, với mức giảm hàng năm là 27,8% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020. Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch. Thậm chí ngay từ trước thời điểm virus SARS-CoV-2 bùng phát, tâm lý tiêu dùng tại Nhật Bản đã suy giảm sau đợt tăng thuế được áp dụng vào tháng 10 năm ngoái. Trước tình huống trên, nhiều chuyên gia dự báo, nền kinh tế thứ 3 thế giới sẽ phải cần đến khoảng thời gian hơn 2 năm để “lấy lại những gì đã mất”.
Việc thực hiện những bước đi năng động để xoay chuyển nền kinh tế Nhật Bản trong thời điểm hiện tại là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ gặp rất nhiều thách thức do các khoản nợ chính phủ đang ngày càng chồng chất và khi ngân hàng trung ương đã mua một lượng lớn trái phiếu kho bạc, thì việc tiếp tục huy động nguồn vốn lại không còn nhiều dư địa để thực hiện.
Những "mũi tên" của ông Abe, sau 8 năm thực hiện hành trình về đích đã mang lại nhiều kết quả song điều đó cũng không có nghĩa rằng nền kinh tế Nhật Bản không còn thách thức. Hiện dư luận đang lưu tâm tới việc người kế nhiệm ông Abe sẽ đi theo con đường nào để “tái định hình” nền kinh tế nước nhà sau khi tiếp quản ghế nóng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, không hề tồn tại một phương thuốc hữu hiệu nào để hàn gắn cùng lúc mọi vết thương của nền kinh tế thứ 3 thế giới.
… sẽ được giải quyết thế nào dưới thời “Suganomics”?
|
Ông Yoshihide Suga sẽ tiếp tục dẫn dắt kinh tế Nhật Bản dựa trên nền tảng các chính sách Abenomics. (Ảnh: NHK) |
Ngay từ khi tuyên bố ý định chạy đua vào vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ngày 2/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã khẳng định rằng ông muốn tiếp nối và tiếp tục thúc đẩy các chính sách Abenomics. Điều đó có nghĩa rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa lớn mà Nhật Bản đã thực hiện trong vòng gần 8 năm qua sẽ tiếp tục được duy trì. Điều này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Nếu như chính sách “Abenomics” là một gói kinh tế vĩ mô dựa trên “3 mũi tên” bao gồm nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu thì “ba trụ cột” của chính sách mà tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ theo đuổi – được nhắc đến với tên gọi "Suganomics" sẽ là phiên bản nâng cấp di sản của người tiền nhiệm với một số nét khác biệt, với một số nét chính được dự báo như sau:
Củng cố các nền kinh tế địa phương: Ông Suga vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh nông nghiệp Akita, miền bắc Nhật Bản, là con trai của một nông dân trồng dâu tây. Đây là cơ sở để nhiều người đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng ông sẽ thúc đẩy các nền kinh tế khu vực vốn trước đây ông đã từng nhiều lần đề cập tới. Trong quá khứ, tân Chủ tịch LDP đã từng nhiều lần không giấu nổi niềm tự hào khi giới thiệu một chương trình vào năm 2008, cho phép người dân lựa chọn chính quyền địa phương thu thuế cư trú của họ.
Theo quan điểm của ông Suga, hiện Nhật Bản đang có quá nhiều ngân hàng ở cấp khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dân số nước này đang không ngừng suy giảm ở các khu vực nông thôn. Tân Chủ tịch LDP nhấn mạnh tính cần thiết của việc củng cố các doanh nghiệp kém sinh lời, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để thực hiện được mục tiêu này sẽ cần tới một số cải cách về quy định – điều mà ông Suga đã từng cam kết sẽ thực hiện khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí: Ông Suga được biết đến là người luôn chủ trương ủng hộ mạnh mẽ việc cắt giảm phí truyền thông. Nhiều năm qua, ông đã liên tục gây áp lực buộc các công ty viễn thông phải cắt giảm giá cước điện thoại di động lên tới 40%, và cũng đang nhắm tới các khoản phí tiện ích công cộng khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bất kỳ đợt cắt giảm phí giá nào cũng có thể xảy ra trước mục tiêu 2% của chính phủ.
Mặt khác, ông Suga cũng cho rằng, một đợt tăng thuế tiêu dùng tiếp theo có thể sẽ được áp dụng với lý do dư nợ của chính phủ đang ở mức cao và nhu cầu về một dự luật an sinh xã hội đang trở nên cần thiết do tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản. Mặc dù ông Suga nhấn mạnh rằng, kịch bản này sẽ không xảy ra trong vòng 10 năm tới, nhưng điều này không có nghĩa là tân Chủ tịch LDP sẽ từ bỏ mục tiêu củng cố tài chính sau khi đại dịch kết thúc.
Thúc đẩy nền kinh tế số hóa: Đẩy mạnh số hóa đã trở thành một ưu tiên hàng đầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản. Việc chính phủ áp dụng các chính sách trợ cấp “thiếu hợp lý” đã gây ra những phản ứng từ phía người dân. Sự thiếu kết nối từ các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp liên vùng và địa phương tại Nhật Bản đã gây ra nhiều khó khăn cho những người có nhu cầu điều hướng hệ thống ứng dụng trực tuyến.
Ngoài ra, ông Suga cũng từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Đây chính là nền tảng để mới đây, tân Chủ tịch LDP đã đưa ra ý tưởng sắp xếp lại và thống nhất các cơ quan chính phủ áp dụng một chính sách kỹ thuật số đơn nhất, đồng thời cam kết phá bỏ “khoảng cách” giứa các cơ quan khác nhau trong chính phủ./.