Nhật Bản: Thâm hụt thương mại tăng cao kỷ lục

Thứ năm, 20/04/2023 17:43
(ĐCSVN) - Ngày 20/4, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) tăng lên mức kỷ lục 21.730 tỷ Yen (161,36 tỷ USD), trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng và đồng Yen yếu hơn khiến kim ngạch nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tài khóa 2022 tăng lên mức kỷ lục. (Ảnh: AP).

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tài khóa 2022, kim ngạch nhập khẩu vượt xa xuất khẩu khi tăng 32,2% so với tài khóa 2021, lên 120.950 tỷ Yen, trong khi xuất khẩu tăng 15,5% lên 99.230 tỷ Yen. Kết quả là cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt kỷ lục trong năm thứ 2 liên tiếp, trong đó cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1979 - thời điểm Nhật Bản bắt đầu thống kê số liệu này.

Dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng là những mặt hàng chính khiến kim ngạch nhập khẩu tăng. Trong bối cảnh các tác động của đại dịch COVID-19 giảm khiến nhu cầu tại các thị trường nước ngoài tăng mạnh, góp phần thúc đẩy kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu bao gồm: ô tô, sắt, thép và các mặt hàng khác tăng.

Trong khi đó, đồng Yen mất giá mạnh so với đồng USD trong tài khóa 2022 đã khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Đồng Yen so với đồng USD hiện đang giao dịch ở mức 135,05 Yen đổi 1 USD, tăng mạnh so với mức 111,91 Yen đổi 1 USD vào năm trước.

Nhật Bản đạt thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 6.650 tỷ USD, nhưng thâm hụt kỷ lục ở mức 6.810 tỷ Yen với Trung Quốc. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Liên minh Châu Âu (EU) ở mức 1.770 tỷ Yen - mức cao kỷ lục trong năm thứ 11 liên tiếp, trong khi thặng dư thương mại với phần còn lại của châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đạt 454,24 tỷ Yen.

Chỉ trong tháng 3/2023, thâm hụt thương mại của Nhật Bản ghi nhận ở mức 754,5 tỷ Yen (6,6 tỷ USD). Trước đó, thâm hụt thương mại cao nhất của Nhật Bản là 13.760 tỷ Yen, được ghi nhận vào năm 2013.

Đồng Yen lao dốc đã làm giảm giá trị tài sản quốc gia của Nhật Bản trong năm 2022, khi cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu mỏ và các hàng hóa khác tăng vọt. Đồng Yen đã liên tục suy yếu so với đồng USD trong nhiều tháng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng để bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế mong manh của quốc gia. Quyết định giữ nguyên lãi suất của BoJ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Nhật Bản đã tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu mà BoJ đã đặt ra.

Lạm phát tại Nhật Bản đã ghi nhận mức cao nhất trong vòng 40 năm qua vào tháng 11/2022 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ lạm phát cao đã làm dấy lên kỳ vọng BoJ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay để ngăn áp lực tăng giá. BoJ đã áp dụng chính sách tiền tệ siêu thấp trong gần một thập kỷ qua, bất chấp tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

BoJ là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu lỏng, trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của FED./.

H.Hà (Theo Kyodo, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực