|
Người dân phải sử dụng thuyền để tiếp cận làng của họ, sau những trận mưa và lũ lụt lịch sử ở Sehwan, Pakistan, ngày 16/9/2022. (Ảnh: REUTERS/Akhtar Soomro) |
Các số liệu thống kê cho thấy, lũ lụt đã tác động đến 33 triệu người Pakistan, gây thiệt hại hàng tỷ USD và khiến hơn 1.500 người thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại rằng Islamabad sẽ không thể trả các khoản nợ đang gánh vác.
Trước những thách thức đang gặp phải, ông Ismail cho rằng: “Con đường đi tới ổn định vốn đã hẹp trong môi trường thách thức vừa qua giờ lại càng hẹp hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những quyết định cẩn trọng”.
Nhờ vào những quyết định cứng rắn, Pakistan đã triển khai được chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau nhiều tháng chậm trễ. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã nhanh chóng biến mất sau khi xảy ra đợt lũ lụt thảm họa vừa qua.
Mặc dù vậy, trong tuyên bố ngày 18/9, Bộ trưởng Tài chính Ismail khẳng định những chính sách ổn định nền kinh tế và các mục tiêu đề ra vẫn đi đúng hướng, trong đó có việc tăng khoản dự trữ ngoại tệ ít ỏi của Pakistan, hiện ở mức 8,6 tỉ USD - bao gồm cả số tiền 1,12 tỉ USD mà IMF giải ngân cuối tháng 8 – chỉ đủ để chi cho nhập khẩu hàng hóa trong khoảng 1 tháng.
Bộ trưởng Tài chính Pakistan cho biết Islamabad sẽ vẫn có thể tăng dự trữ lên tới 4 tỷ USD, ngay cả khi lũ lụt làm tổn hại đến cán cân vãng lai thêm 4 tỷ USD hàng nhập khẩu, chẳng hạn như bông, và tác động tiêu cực đến xuất khẩu. Tuy nhiên, ông ước tính thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ không tăng quá 2 tỷ USD sau lũ lụt.
"Đúng, đã có những thiệt hại đáng kể đối với những người rất nghèo nhất và cuộc sống của họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại như trước. Tuy nhiên, đối với việc trả nợ nước ngoài và trong nước, ổn định về mặt kinh tế vi mô - vĩ mô, thì đây là những điều nằm trong tầm kiểm soát” – Bộ trưởng Ismail nói.
Ông Ismail cho biết các thị trường toàn cầu đang lo lắng về sức khỏe tài chính của Pakistan, do nền kinh tế nước này đã bị thiệt hại ít nhất 18 tỷ USD sau lũ lụt, thậm chí con số thực tế có thể lên tới 30 tỷ USD.
"Đúng, rủi ro vỡ nợ tín dụng của chúng tôi đã tăng lên, giá trái phiếu của chúng tôi đã giảm. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong vòng 15 đến 20 ngày nữa, thị trường sẽ quay trở lại trạng thái bình thường và Pakistan cam kết hành động thận trọng” – ông Ismail lý giải.
Về khoản thanh toán lớn tiếp theo của Pakistan là 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế sẽ đến hạn vào tháng 12 tới, ông Ismail tin tưởng rằng khoản thanh toán đó chắc chắn sẽ được đáp ứng.
Trước đó, ngày 18/9, IMF cho biết thể chế tài chính này sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ và tái thiết của chính quyền Pakistan, và đặc biệt là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Islamabad để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong khi đảm bảo các chính sách bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô./.