Lãnh đạo xứ Catalan, ông Carles Puigdemont, tuyên bố họ sẽ đi đến cùng về vấn đề này. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố không có cuộc trưng cầu dân ý nào diễn ra cả và điều này là vi hiến.
Cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Tây Ban Nha khi mà vùng Catalan vốn chiếm 16% dân số Tây Ban Nha và chiếm đến 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Tại sao lại có cuộc trưng cầu dân ý?
Đối với những "người đòi độc lập" ở Catalonia, cuộc đấu tranh thực tế bắt đầu từ cách đây hơn ba thế kỷ, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona vào năm 1714. Năm 1932, các lãnh đạo khu vực tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia. Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý để Catalonia trở thành vùng tự trị.
Nhưng khi Francisco Franco lên nắm quyền Thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 1939, ông đã nỗ lực đòi quyền tự trị ở Catalonia, quét sạch tất cả các thể chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Sau khi Franco qua đời, cuộc đấu tranh đòi độc lập được khởi động lại một cách nghiêm túc. Năm 2006, Catalonia có bước tiến lớn khi đàm phán với Madrid thành công về một đặc quyền, công nhận vùng này là "quốc gia". Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết bác yêu cầu trên, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ. Ngày lễ chính thức của xứ Catalan (được coi như quốc khánh của xứ này) – ngày 11/9 – đã trở thành ngày biểu tình đòi độc lập.
Người dân xứ Catalan biểu tình đòi độc lập ngày 2/10. (Ảnh: Le Monde)
Tháng 11 năm 2014, xứ Catalan đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tượng trưng về việc yêu cầu độc lập bất chấp sự phản đối của Tòa án Hiến pháp. Số phiếu ủng hộ lên đến 80% nhưng thực chất, số người đi bỏ phiếu chỉ là 1,8 triệu người trên tổng số 7,5 triệu người dân xứ Catalan, tức 33% người dân đi bỏ phiếu. Do đó, cuộc bỏ phiếu này được cho là không có hiệu lực pháp lý.
Đến tháng 9 năm 2015, trong cuộc bầu cử chính quyền vùng, cộng đồng những “người đòi độc lập” đã đạt được 47,6% số phiếu và trở thành đa số trong Nghị viện Catalan. Ông Carles Puigdemont, do đó, cũng trở thành người đứng đầu xứ này vào đầu năm 2016. Tháng 6/2017, ông tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1/10. Chính quyền Madrid đã tuyên bố sẽ không có một cuộc trưng cầu nào diễn ra cả.
Vai trò của Catalan
Xứ Catalan – vốn đã là một cộng đồng tự trị từ lâu sở hữu nghị viện riêng, chính phủ riêng, cảnh sát riêng; đồng thời tự quyết nhiều vấn đề quan trọng như giáo dục, y tế, an ninh và phúc lợi xã hội. Người dân xứ này có hai thứ tiếng chính thức là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Catalan. Tuy nhiên, ở các trường học, học sinh chỉ học bằng tiếng Catalan.
Tuy nhiên, vùng này không có quyền sở hữu quân đội riêng cũng như tham gia vào quan hệ quốc tế hay có quyền tự quyết về thuế. Vấn đề về thuế là vấn đề trung tâm, thúc đẩy người dân xứ này đòi độc lập.
Từ năm 2012, chính quyền Catalan đã yêu cầu Madrid cho họ một ưu đãi riêng về thuế, theo đó họ có thể trực tiếp thu thuế về phần của mình (vẫn nộp một phần cho chính quyền Tây Ban Nha) và từ đó, tự quyết các vấn đề chi tiêu. Tuy nhiên, chính quyền Madrid đã từ chối và càng làm dâng cao phong trào đòi độc lập của xứ này.
Cuộc trưng cầu dân ý có hợp pháp không?
Ngay từ khi Nghị viện Catalan thông qua luật tổ chức thì Chính phủ Tây Ban Nha đã hỏi ý kiến của Tòa án Hiến pháp để bác bỏ đạo luật này. Tòa án đã chấp thuận điều này và từ đó, tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 là bất hợp pháp.
Chính phủ Madrid cũng tuyên bố “không tồn tại chủ quyền của dân tộc Catalan” và chỉ ra rằng đạo luật về trưng cầu dân ý đã vi phạm điều 8 Hiến pháp nước này, trong đó có khoản 2 ghi rõ nguyên tắc “thống nhất không thể tách rời của quốc gia Tây Ban Nha”. Tòa án Hiến pháp cũng yêu cầu những nhà lãnh đạo Catalan dừng cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp” ngày 1/10.
Theo Giáo sư Gabriel Colome, chuyên ngành khoa học chính trị của Đại học tự chủ Barcelona, khoản 2 này “sẽ ngăn cấm mọi khả năng yêu cầu độc lập”. “Nếu một vùng của Tây Ban Nha muốn được độc lập, điều trước tiên là phải sửa đổi Hiến pháp. Và điều này tất nhiên sẽ không được Madrid chấp thuận.
Về phần mình, chính quyền Catalan không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp, đồng thời cáo buộc cách làm việc của tòa án này là thiếu minh bạch: trong số 12 thẩm phán, có đến 10 thẩm phán thuộc đảng bảo thủ của Thủ tướng Mariano Rajoy. Để phản đối phán quyết trên, nhà lãnh đạo Puigdemont trích dẫn “quyền tự quyết của các dân tộc” đã được ghi trong luật quốc tế. Đây là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nhưng vẫn còn rất mơ hồ vì trên thực tế, khái niệm “dân tộc” chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng.
Hệ quả
Ngày 2/10, bất chấp những ngăn cản của Chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền Catalan tuyên bố họ có quyền độc lập với 90% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nhiều hệ quả và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Tây Ban Nha.
Trong khi người dân Catalan đa phần hào hứng về ý tưởng độc lập thì giới kinh doanh không lạc quan như vậy. Đối với họ, việc Catalan trở thành một quốc gia độc lập ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế Catalan lớn mạnh bởi vì họ là một phần của Tây Ban Nha, và do đó, họ là một phần của Liên minh châu Âu. Việc Catalan tách khỏi Tây Ban Nha sẽ đặt ra một câu hỏi lớn, liệu Catalan có trở thành thành viên thứ 29 của EU hay không.
Liên minh châu Âu đã bị chỉ trích khá nhiều vì đã giữ im lặng trong suốt hai ngày qua đã lên tiếng vào cuối ngày 2/10, kêu gọi các bên “chuyển từ đối đầu sang đối thoại”. Phản ứng tối thiểu này khiến người ta nghi ngờ rằng, Brussels không có sự chuẩn bị nào cho một Catalan độc lập. Điều này đồng nghĩa, nếu Catalan trở thành một quốc gia độc lập, họ sẽ phải đàm phán để gia nhập lại EU từ những bước đầu tiên.
Một vấn đề khác là các quốc gia EU cũng khó công nhận độc lập của Catalan bởi, “quyền tự quyết dân tộc” dù được quy định trong các văn bản quốc tế nhưng chỉ áp dụng đối với các dân tộc bị đàn áp, xâm phạm nhân quyền, phân biệt chủng tốc và bị áp bức thực dân. Xứ Catalan không hề nằm trong những tiêu chí này. Bên cạnh đó, các nước EU cũng lo sợ Catalan sẽ tạo tiền lệ xấu đối với các quốc gia khác.
Nếu như Catalan không còn ở trong EU thì những gì họ ngóng đợi về một quốc gia độc lập, tự chủ về tài chính và phát triển thịnh vượng sẽ không còn./.