|
Cảnh sát kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của người tham gia giao thông tại Kochi, Ấn Độ, ngày 3/8/2020. (Ảnh: Xinhua) |
Tính đến sáng 4/8, đã có 11.658.093 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.067.901 ca bệnh đang điều trị thì có 6.003.218 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 64.683 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong bối cảnh trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục hối thúc tất cả các quốc gia đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội và xét nghiệm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng khẩu trang nên là biểu tượng của sự đoàn kết trên khắp thế giới trước đại dịch. Theo ông Ghebreyesus, dù hiện nay, một số loại vắcxin đang ở giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng và tất cả chúng ta đều hi vọng một số loại vắcxin có hiệu quả sẽ giúp ngăn sự lây nhiễm của dịch bệnh. “Tuy nhiên, hiện tại không có viên đạn bạc nào và có thể sẽ không bao giờ có đối với đại dịch COVID-19” – người đứng đầu WHO nói.
Các số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info cho thấy, sau nhiều ngày liên tiếp, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn tiếp tục căng thẳng sau khi nước này gia nhập danh sách các nước có triệu ca nhiễm trên thế giới. Dù đang đứng thứ 2 trong bảng thống kê, song Brazil được dự báo là đang trên đà vượt Mỹ về số ca nhiễm COVID-19 nếu các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh không được thực hiện hiệu quả. Trước tình huống này, chuyên gia Mike Ryan phụ trách chương trình y tế khẩn cấp của WHO khuyến cáo các nước có mức độ lây nhiễm cao, trong đó có Brazil và Ấn Độ, nên nhìn lại cách đối phó với dịch vì “đường còn dài phía trước”.
Tính theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.923.462 trường hợp, trong đó có 204.059 ca tử vong và 1.754.102 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 16.110 ca nhiễm và 244 ca tử vong mới vì COVID-19.
Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước dẫn đầu bảng danh sách các nước bị tác động bởi dịch bệnh tại châu Âu, với lần lượt 856.264; 344.134; 305.623 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 46.210 ca, sau khi ghi nhận thêm 9 ca trong 24 giờ qua; tiếp theo sau là Italy với 35.166 ca.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 52.097 ca nhiễm COVID-19 và 845 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 5.703.652 và 222.746 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 4.857.627 ca nhiễm và 158.881 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 439.046 và 47.746 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 117.031 ca nhiễm và 8.947 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 4/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 4.523.341 trường hợp, với 100.679 ca tử vong và 3.357.771 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.064.891 ca bệnh đang điều trị thì có 19.122 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ, Iran và Ả rập Xê út là 3 nước đứng đầu bảng thống kê của worldometers.info tại châu Á, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 1.855.331; 312.035 và 280.093 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 34.900 ca nhiễm và 1.327 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 4.279.374 trường hợp, với 148.144 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Peru, Chile và Colombia… với lần lượt 2.750.318; 433.100; 361.493; 327.850 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 4/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 972.061 trường hợp, trong đó có 20.661 ca tử vong và 632.853 ca bình phục. Trong tổng số 318.547 ca đang điều trị thì có 1.149 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 516.862 ca nhiễm COVID-19 và 8.539 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5.377 ca nhiễm và 173 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ai Cập, Nigeria và Ghana, với lần lượt 94.640; 44.129; 37.812 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 398 ca nhiễm COVID-19, trong đó 395 ca ở Australia; 2 ca ở New Zealand và 1 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 20.107 ca nhiễm và 246 ca tử vong vì COVID-19 – trong số này thì Australia chiếm tới 221 ca, New Zealand chiếm 22 ca; Papua New Guinea 2 ca và Fiji 1 ca. Tổng số ca bình phục tại khu vực này tính tới thời điểm hiện tại là 12.276 trường hợp. Trong tổng số 7.585 ca nhiễm COVID-19 đang được điều trị thì có 43 ca trong tình trạng nguy kịch (tất cả đều ở Australia). Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Australia tiếp tục là nước có nhiều số ca nhiễm COVID-19 nhất trong khu vực, với tổng số 18.318 ca ghi nhận được tính tới thời điểm hiện tại, tiếp theo sau là New Zealand với 1.567 ca nhiễm./.