Thế giới sắp cán mốc 120.000 ca tử vong vì COVID-19

Thứ ba, 14/04/2020 08:26
(ĐCSVN) – Số liệu mới nhất từ trang thống kê trực tuyến worldometers.info cho thấy, toàn thế giới ghi nhận đã có gần 120.000 ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
 Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva . (Ảnh: AP)

Tính đến 8h sáng ngày 14/4 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn thế giới đã có 1.920.258 ca mắc bệnh và 119.413 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới cũng ghi nhận có 67.893 ca mắc mới và 5.217 ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Nước này ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã lên tới 584.862 trường hợp và 23.555 trường hợp tử vong.

New York hiện vẫn là “tâm dịch” cả nước khi ghi nhận số ca mắc bệnh lên tới hơn 195.749 trường hợp, trong đó 10.058 ca tử vong. Tiếp đó là bang New Jersey với 64.584 ca mắc bệnh và 2.443 ca tử vong. Các bang gồm Massachusetts, Michigan, Pennsylvania, California, Illinois, Louisiana và Florida đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 20.000 ca.

Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận có thêm 24.562 ca mắc mới, trong đó 1.450 ca tử vong. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cứ 1 triệu người Mỹ thì có đến 62 người tử vong vì dịch COVID-19.  Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ông Robert Redfield cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ có thể đạt đến đỉnh điểm trong tuần này. Theo ông Redfield, việc áp dụng các biện pháp yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 mà Mỹ thực thi trong những tuần qua ở nhiều khu vực trên cả nước, đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, song giúp kiềm chế tỷ lệ tử vong.

Tại châu Âu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 cũng tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới và tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tại Tây Ban Nha, số người tử vong vì COVID-19 ở xứ sở bò tót ngày 14/4 đã giảm xuống còn 547 từ 603 người vào hôm qua. Bộ Y tế cho biết đây là mức tăng hàng ngày nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi. Trong một động thái phản ánh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngày 13/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau 2 tuần áp dụng trên toàn quốc.

Theo đó, các hoạt động không thiết yếu như văn phòng, xây dựng, công nghiệp đã được phép hoạt động trở lại. Có khoảng 300.000 lao động tại các lĩnh vực này đã quay trở lại công việc kể từ ngày 13/4 sau khi Tây Ban Nha nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện theo Sắc lệnh ngày 29/3 của chính quyền Thủ tướng Pedro Sanchez nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Theo Bộ Lao động Tây Ban Nha, nước này ghi nhận có khoảng 302.265 người mất việc làm trong tháng 3, tăng 9,31% so với tháng 2. Tính đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận đã có 170.099 ca mắc COVID-9, đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ và 17.756 ca tử vong.

Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha là Pháp hiện cũng đã ghi nhận có gần 15.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 136.779 ca bệnh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5 nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, số ca tử vong vì dịch  COVID-19 ở Vương quốc Anh đã vượt con số 11.000 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 11.392 người. Nước này cũng ghi nhận có thêm 4.342 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Số liệu mới nhất trên đã khiến Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới. Một cố vấn khoa học cấp cao của Chính phủ Anh cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất châu Âu.

Chính phủ Italy ngày 10/4 thông báo sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly cho đến ngày 3/5. Trang thống kê worldometers.info cho biết, Italy ngày 13/4 ghi nhận thêm 431 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng số tử vong hằng ngày xuống dưới mức 500 người và là con số thấp nhất tại nước này kể từ ngày 19/3. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Italy đến thời điểm này đã vượt mốc 20.000 người.

Ngoài châu Âu, các quốc gia thuộc châu lục khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Trong một động thái nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/4 thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi, để giúp các nước này giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch COVID-19.

Khoản viện trợ sẽ do Quỹ hỗ trợ Catastrophe Containment and Relief Trust (CCRT) do IMF thành lập nhằm hỗ trợ các nước Tây Phi chống lại dịch bệnh chết người Ebola năm 2014 đảm nhiệm. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế. Bà Kristalia cho hay, quỹ CCRT hiện đã có khoảng 500 triệu USD, bao gồm khoản đóng góp từ các quốc gia Anh (185 triệu USD), Nhật Bản (100 triệu USD) và một số khoản đóng góp khác từ Trung Quốc, Hà Làn và một số quốc gia khác. Quỹ đang đặt mục tiêu nâng mức đóng góp lên con số khoảng 1,4 tỷ USD.

Danh sách 25 quốc gia được IMF hỗ trợ đợt này sẽ bao gồm: Afghanistan, Belarus, Burkina Faso, Cộng hòa (CH) Trung Phi, CH Chad, Comoros, CH Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Nigeria, Rwanda, Sao Tome và Principe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Togo và Yemen./.

 

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực