Thế giới tuần qua: Chuyến thăm "mở đường" cho quan hệ Mỹ - Trung

Chủ nhật, 25/06/2023 09:39
(ĐCSVN) – Tuần qua (19-25/6), chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kéo dài 2 ngày tới Bắc Kinh được cho là sự kiện “mở đường” cho quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh hai cường quốc đang bị cuốn sâu vào những tranh cãi, từ thương mại, công nghệ cho tới an ninh khu vực...

Chuyến thăm “mở đường” cho quan hệ Mỹ - Trung

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh
(Ảnh: Tân Hoa Xã/Zhai Jianlan)  

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/6 đã tới Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày của một Ngoại trưởng Mỹ sau gần 5 năm. Dù chuyến thăm được đánh giá là khó đạt được kết quả đột phá song được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho nhiều cuộc gặp cấp cao trong tương lai.

Chuyến thăm của ông Blinken nhằm mục đích ổn định quan hệ căng thẳng giữa hai nước, diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc đang bị cuốn sâu vào những tranh cãi, từ thương mại, công nghệ cho tới an ninh khu vực. Tuy nhiên, ngay cả khi căng thẳng dâng cao, cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ rõ thiện chí nhằm thúc đẩy liên lạc giữa hai nước.

Truyền thông Trung Quốc đánh giá, cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng về tổng thể quan hệ song phương cùng các vấn đề quan trọng mà đôi bên cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cùng thực hiện những hiểu biết chung quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp gỡ tại Bali, quản lý hiệu quả những khác biệt và thúc đẩy đối thoại, trao đổi và hợp tác.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh, hai Ngoại trưởng đều bày tỏ mong muốn ổn định mối quan hệ giữa hai cường quốc, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh dẫn đến xung đột. Ngoại trưởng Blinken khẳng định lập trường Mỹ không muốn tách rời khỏi Trung Quốc và đã có thỏa thuận để hai bên tiếp tục đàm phán nhằm đạt được tiến bộ trong một số vấn đề.

Giới quan sát kỳ vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc sẽ mở đường cho các cuộc gặp song phương khác trong những tháng tới, bao gồm cả khả năng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này cũng được cho là có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm.

Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới khai mạc tại Paris

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Actu)

Ngày 23/6, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới do Pháp khởi xướng đã khai mạc tại thủ đô Paris. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về xây dựng một tầm nhìn mới cho hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy hợp tác trong nhiều chủ đề thiết thực như hỗ trợ các nước đang phát triển có mức nợ cao, huy động tài chính tư nhân vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi năng lượng, thực hiện các mục tiêu về khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh việc không thể có sự lựa chọn giữa xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu khí hậu, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu phải hướng đến xử lý đồng bộ những mục tiêu này. Trong khi đó Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cấu trúc tài chính toàn cầu đã “hết hạn sử dụng, không hiệu quả và không công bằng”, đòi hỏi phải sớm tiến hành cải cách, đồng thời triển khai Gói kích thích SDG (SDG Stimulus) với mục tiêu dành 500 tỷ USD hàng năm để đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững và các hành động khí hậu.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, hợp tác, cùng phối hợp trong xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu bao trùm, minh bạch, lấy con người làm ưu tiên, lắng nghe tiếng nói của các nước đang phát triển và kém phát triển, những cam kết cần phải triển khai kịp thời bằng hành động cụ thể.

Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tầm nhìn mới trong cải cách hệ thống tài chính toàn cầu và các ngân hàng phát triển đa phương, đề xuất những giải pháp tiên phong trong quá trình cung cấp tài chính cho phát triển, huy động các nguồn lực mới từ khu vực tư nhân dành cho phát triển bền vững.

Liên hợp quốc kêu gọi tiếp tục duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Các nhóm kiểm tra chung thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. (Ảnh: UNODC/Duncan Moore) 

Ngày 20/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên nỗ lực tối đa để đảm bảo sự tiếp tục của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen.

Thông qua người phát ngôn của mình, ông Guterres cũng kêu gọi các bên đẩy nhanh hành động nhằm khắc phục tình trạng giảm tần suất hoạt động của tàu thuyền tại các cảng biển của Ukraine cũng như tình trạng giảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho thị trường toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, lượng lương thực xuất khẩu qua Biển Đen đã giảm từ mức cao nhất 4,2 triệu tấn vào tháng 10/2022 xuống còn 1,3 triệu tấn vào tháng 5 năm nay -  mức thấp nhất kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực.

Trong bản cập nhật mới nhất được đưa ra cách đây 5 ngày, Trung tâm điều phối chung (JCC) được thành lập trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho biết, tổng lượng ngũ cốc và thực phẩm xuất khẩu là gần 32 triệu tấn, trong đó chỉ có hơn 625.000 tấn ngũ cốc được vận chuyển trên các tàu được thuê bởi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do cuộc xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới là Nga và Ukraine. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. 

EU tăng cường trừng phạt Nga

EU đưa ra gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. (Ảnh: DW)

Ngày 21/6, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine với mục đích ngăn chặn các nước thứ 3 và các doanh nghiệp "lách" các biện pháp trừng phạt hiện nay của EU. Đây là gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moskva. 

Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, cho biết gói trừng phạt bao gồm các quy định cấm mọi hoạt động quá cảnh qua Nga các loại hàng hóa và công nghệ mà quân đội Nga có thể sử dụng hoặc hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Moskva. Gói biện pháp này cho phép áp đặt các hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho các quốc gia có thể bán lại cho Nga và mở rộng danh sách các hàng hóa bị hạn chế do có thể phục vụ quân đội và lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Các biện pháp này cũng gia hạn thời gian đình chỉ cấp phép 5 cơ quan truyền thông Nga phát sóng tại châu Âu. EU cũng bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 thực thể vào danh sách có tài sản bị phong tỏa tại EU.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Toàn bộ hành khách trên tàu lặn Titan đã thiệt mạng

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của OceanGate Expeditions đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ.
(Ảnh: Reuters)  

Ngày 22/6, Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) thông báo, tất cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng. Thông báo trên đã chấm dứt chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quốc tế quy mô lớn dành cho tàu lặn Titan bị mất tích trong chuyến tham quan xác tàu Titanic vào ngày 18/6 vừa qua.

Tại cuộc họp báo tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, Chuẩn Đô đốc John Mauger – Tư lệnh Vùng 1 của USCG cho biết, kết quả phân tích những mảnh vụn phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy, tàu lặn Titan bị mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic đã phải hứng chịu áp lực “thảm khốc”.

Những du khách có mặt trên tàu gồm nhà thám hiểm Anh Hamish Harding, chuyên gia tàu ngầm Pháp Paul-Henri Nargeolet, tỷ phú Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman Dawood, và ông Stockton Rush, Tổng giám đốc OceanGate Expeditions (công ty thám hiểm đại dương tổ chức chuyến tham quan).

“Chúng tôi lập tức thông báo cho các gia đình (của những nạn nhân trên tàu lặn Titan). Thay mặt Lực lượng Tuần duyên Mỹ và toàn thể Bộ Chỉ huy liên hợp, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình”, Chuẩn Đô đốc John Mauger chia sẻ. 

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của OceanGate Expeditions - công ty tư nhân chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ chở theo 5 nạn nhân lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6 (giờ địa phương)./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực