Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Ngày 4/11, Mỹ đã chính thức thông báo tới Liên hợp quốc việc rút khỏi Thỏa thuận Paris, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này trở thành nước duy nhất đứng ngoài thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối chính sách về chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Trump. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận khí hậu Paris có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, sau khi Mỹ và các quốc gia khác chính thức tham gia Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này. Liên hợp quốc đã ra quy định không một quốc gia nào có thể rời bỏ Thỏa thuận trong vòng 3 năm, sau đó phải mất thêm một năm để việc rút khỏi Thỏa thuận có hiệu lực hoàn toàn.
Mỹ đưa ra thông báo rút khỏi Thỏa thuận vào ngày 4/11/2019, có nghĩa là Mỹ có thể thực hiện tiến trình để chính thức rời khỏi Thỏa thuận Paris vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.
Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học khẳng định thế giới phải hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để cắt giảm lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới, tiến đến cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 để tránh những tác động không thể cứu vãn và có thể gây ra thảm họa do biến đổi khí hậu.
Hành động trên của Mỹ cũng diễn ra chỉ vài tuần sau khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động Khí hậu của Liên hợp quốc được diễn ra tại New York như một phần của nỗ lực khuyến khích các quốc gia thực hiện các cam kết cao cấp nhằm cắt giảm khí thải đang làm trái đất nóng dần lên, ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.
Hàn Quốc, Nhật Bản nhất trí giải quyết căng thẳng
Ngày 4/11, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 tại Thái Lan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các vấn đề bất đồng giữa hai nước, trong đó có căng thẳng thương mại, thông qua đối thoại.
Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Cả hai nhà lãnh đạo đều đã đồng ý rằng quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản là quan trọng và các vấn đề tồn đọng giữa hai bên cần được giải quyết thông qua đối thoại. Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao hơn nếu cần thiết, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Abe đề nghị tìm kiếm một giải pháp với tất cả các phương tiện sẵn có.
Dù 4 tháng trước, nhà lãnh đạo hai nước Nhật – Hàn đã có những cái bắt tay tại hội nghị G20 tại Nhật Bản, song đây mới là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai người vòng hơn một năm qua. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đến ngày 8/11, Hàn Quốc đã chính thức thông báo tổ chức vòng đàm phán thứ hai với Nhật Bản sẽ diễn vào cuối tháng này để tháo gỡ căng thẳng thương mại giữa hai nước tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Căng thẳng thương mại giữa hai nước ở Đông Bắc Á đã gia tăng sau khi Tokyo áp đặt các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn với hoạt động xuất khẩu sang Seoul 3 vật liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình dẻo. Sau đó, Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Seoul cho rằng các động thái trên của Tokyo là nhằm đáp trả những phán quyết năm ngoái của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1910-1945. Về phần mình, Nhật Bản luôn khẳng định các biện pháp trên là cần thiết vì Hàn Quốc có hệ thống quản lý lỏng lẻo với những mặt hàng thương mại nhạy cảm, luận điểm mà Seoul kiên quyết phản đối.
Iran nối lại việc làm giàu urani tại cơ sở Fordow
Ngày 7/11, Iran đã chính thức khởi động quy trình bơm khí gas vào hàng trăm máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất. Đây là bước cắt giảm cam kết thứ 4 của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết với nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) năm 2015.
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi (trái) báo cáo với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran ngày 9/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuyên bố của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, quy trình bơm khí gas vào các máy ly tâm đã được bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/11 theo giờ địa phương (20:30 GMT), sau khi 2.800 kg xi-lanh chứa 2.000 kg UF6 (uranium hexafluoride) được chuyển từ cơ sở hạt nhân Natanz tới cơ sở Fordow – nơi được lắp đặt 1.044 máy li tâm.
Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 (còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA), cho phép Iran vận hành các máy ly tâm IR-1 thế hệ 1 tại cơ sở hạt nhân Fordow mà không sử dụng khí gas urani.
Trước đó, ngày 5/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lần đầu tiên công bố về việc Iran sẽ thực hiện bước cắt giảm thứ 4 trong JCPOA. Ngày 6/11, nhà lãnh đạo này tiếp tục thông báo trên Twitter rằng việc bơm khí gas vào các máy ly tâm sẽ sớm được khởi động.
Về phía Iran đã tỏ rõ lập trường rằng, việc nước này cắt giảm các cam kết không phải là hành động vi phạm JCPOA mà được thực hiện dựa trên các điều 26 và 36 trong bản thỏa thuận.
Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/11 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Đây là lần thứ 28 một nghị quyết tương tự đã được thông qua.
187 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong khi Mỹ, Israel và Brazil bỏ phiếu chống, Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.
Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ảnh: UN)
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã hoan nghênh sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế đối với việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế-thương mại kéo dài hơn nửa thế kỷ qua mà Mỹ áp đặt chống Cuba. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Cuba nêu rõ: "Những tiếng nói của thế giới đoàn kết chống lại sự phong tỏa Cuba".
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla cho biết lệnh cấm vận của Mỹ đã gây ra nhiều thiệt hại nhân đạo không thể tính được và là một sự vi phạm nhân quyền có hệ thống. Theo Ngoại trưởng Cuba, lệnh cấm vận của Mỹ là một hành động diệt chủng và mọi người dân Cuba đều phải chịu đựng những hậu quả của chính sách của Mỹ.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhắc lại lời kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế "ban hành và thực thi" các luật và biện pháp có những "hiệu ứng ngoài lãnh thổ" ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia khác, và đặc biệt đề cập đến luật Helms-Burton của Mỹ, được thông qua vào năm 1996.
Kết thúc vòng đối thoại mở đầu về Syria
Vòng đàm phán mở đầu về tương lai chính trị của Syria đã kết thúc vào ngày 8/11 với những tiến triển đạt được vượt trên sự mong đợi và vòng đối thoại tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25/11 tại Geneva. Điều này mang lại cơ hội hòa giải chính trị cho các bên ở Syria sau hơn 8 năm chiến tranh.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Hiến pháp Syria với sự tham dự của Đặc phái viên LHQ tại Syria Geir Pedersen ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đặc phái viên của Liên hợp quốc Geir Pedersen cho biết kết quả cuộc đối thoại giữa các bên đạt được vượt trên sự mong đợi của nhiều người. Các bên tham gia đối thoại chủ yếu tập trung vào các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khủng bố mà không đi sâu vào chi tiết.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận về việc lập tức phóng thích hàng nghìn tù nhân trong nước. Đặc phái viên Liên hợp quốc nhấn mạnh việc phóng thích các tù nhân sẽ là một bước quan trọng, cần thiết để xây dựng niềm tin giữa các bên ở Syria./.