Tuần qua, thế giới “chao đảo” vì virus Corona

Chủ nhật, 02/02/2020 11:19
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (27/1-2/2) đã trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, từ những diễn biến đáng quan ngại của dịch virus Corona, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông cho tới những dấu ấn của Việt Nam sau khi kết thúc thành công tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ…

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu dịch virus Corona

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: Reuters) 

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng virus Corona mới (2019nCoV) gây ra.

PHEIC là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phạt dịch virus Zika ở châu Mỹ.

WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.

Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc và đang có dấu hiệu lây lan nhanh chóng sang các nước khác. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 7h00 ngày 2/2/2020, số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV trên thế giới đã lên tới 14.550 trường hợp, trong đó có 304 người tử vong tại Trung Quốc, 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc virus.

Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu

 Lễ hạ quốc kỳ Anh tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu. Ảnh: THX/TTXVN 

Đúng 23h ngày 31/1 (giờ GMT - 6h ngày 1/2 - giờ Hà Nội), Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này.

Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Boros Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”.

Như vậy, sau 1.317 ngày kể từ cuộc trưng cầu ý dân, nước Anh đã thực hiện được ý nguyện của cử tri là “Ra đi” và bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU, nhưng không còn tiếng nói hay đại diện trong các thể chế chính trị của EU. Cũng trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ phải đàm phán với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai – vốn được dự báo là cũng nhiều chông gai không kém quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU

Hoài nghi về kế hoạch hòa bình của Mỹ ở Trung Đông

 Tổng thống D.Trump vừa công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông. (Ảnh: Reuters)

Ngày 28/1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine.

Tổng thống  D.Trump tin tưởng rằng kế bản kế hoạch mà ông đưa ra là một thỏa thuận mang lại cơ hội cho cả Israel và Palestine. Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Trong dó, Mỹ đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel".

Khi công bố bản kế hoạch dài 80 trang này, Tổng thống D.Trump tự tin tuyên bố các ý tưởng của ông sẽ dẫn tới "một thỏa thuận của thế kỷ". Tuy nhiên, phần lớn các nhà quan sát lại có cái nhìn hoài nghi về triển vọng thành công của bản kế hoạch, bởi nó cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel, trong khi lại áp đặt những điều kiện hà khắc đối với việc thành lập Nhà nước Palestine trong tương lai.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phát đi thông điệp rõ ràng tới Tổng thống D.Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, Jerusalem không phải là thứ có thể mua bán, tất cả các quyền của Palestine không phải là thứ để trao đổi hay mặc cả và bản thỏa thuận này sẽ không thể được thông qua.

Trong khi đó, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối bản kế hoạch hòa bình do Tổng thống D.Trump vừa công bố.

Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ASEAN đối với cấu trúc an ninh và hòa bình khu vực

 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 30/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lập trường hoan nghênh tiến trình đối thoại mang tính xây dựng giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của ASEAN đối với cấu trúc an ninh và hòa bình khu vực.

Phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, ông Guterres nhấn mạnh: “Liên hợp quốc hoan nghênh tiến trình đối thoại mang tính xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc, hướng tới việc duy trì hòa bình khu vực và an ninh hàng hải”. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng hy vọng các bên sẽ hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông giúp ngăn ngừa các tranh chấp trên biển.

“ASEAN đóng một vai trò chủ đạo đối với cấu trúc an ninh và hòa bình khu vực, gồm cả việc tập hợp các nước lớn trong khu vực trong khuôn khổ các diễn đàn do ASEAN lãnh đạo…Chúng tôi khuyến khích ASEAN tận dụng sức mạnh tập hợp này để giải quyết các mối đe dọa an ninh và hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương một cách hiệu quả và sáng tạo” – ông Guterres nói.

Dấu ấn Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

 Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ. Ảnh:  TTXVN

Ngày 31/1, theo giờ New York, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020, mở đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA 2020-2021 của Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng, việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên HĐBA là thách thức rất lớn, đồng thời chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Các nước đánh giá 2 sự kiện về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và hợp tác LHQ-ASEAN là những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của HĐBA trong tháng đầu tiên của thập kỷ mới.

Trong tháng Việt Nam là Chủ tịch, HĐBA đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, thông qua 13 quyết định, số lượng nhiều nhất trong 1 tháng làm việc của HĐBA trong nhiều năm./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực