WB cảnh báo về gánh nặng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển

Thứ tư, 04/12/2024 17:12
(ĐCSVN) - Ngày 3/12, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các nước đang phát triển trên toàn cầu đã chi số tiền lên đến 1,4 nghìn tỷ USD để trả nợ vào năm 2023. Đây là mức chi kỷ lục trong lịch sử trong bối cảnh tiền lãi vay đã lên mức cao đỉnh điểm trong 2 thập kỷ.
WB cho biết các nước đang phát triển trên toàn cầu đã chi số tiền kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD
để trả nợ vào năm 2023. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo nợ quốc tế mới nhất của WB, tổng số tiền lãi phải trả cho nợ nước ngoài của các nước đang phát triển đã tăng vọt lên 406 tỷ USD. Các quốc gia đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB đã chi tổng cộng 96,2 tỷ USD để trả nợ. Trong đó, chi phí lãi suất đạt mức kỷ lục 34,6 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với một thập kỷ trước.

WB cảnh báo, lãi suất cao là nguyên nhân chính khiến chi phí trả nợ nước ngoài tăng cao. Lãi suất phải trả cho các khoản vay chính thức đã tăng gấp đôi, lên hơn 4%. Thậm chí, lãi suất phải trả cho các chủ nợ tư nhân còn lên tới 6%, mức cao nhất trong 25 năm qua.

WB dự báo, mặc dù lãi suất đã bắt đầu giảm ở nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, nhưng nhìn chung lãi suất vẫn sẽ cao hơn mức trung bình trong thập kỷ, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Tổng nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 8,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng 8% so với năm 2020. Đối với các quốc gia IDA, tổng nợ tăng gần 18%, lên mức 1,1 nghìn tỷ USD.

Khủng hoảng tài chính đã buộc các quốc gia nghèo nhất phải tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức đa phương như WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo báo cáo của WB, các tổ chức này đã bơm thêm 51 tỷ USD trong năm 2022 và 2023 so với số tiền thu được từ các khoản thanh toán nợ.

Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB cho biết, trong bối cảnh nợ công tăng cao, các tổ chức đa phương đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nghèo, giúp các nước này cân đối ngân sách và đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, số tiền mà WB và các tổ chức đa phương khác cho các nước nghèo vay lại không được dùng để thúc đẩy phát triển ở các nước này, mà lại chảy ngược ra ngoài để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Ông Indermit Gill đã kêu gọi tăng cường các biện pháp bảo vệ quốc gia đi vay, cho rằng họ nên có quyền tái cấu trúc nợ tương tự như các doanh nghiệp mà không làm mất đi cơ hội vay vốn mới. Ông Indermit Gill cảnh báo, nếu không cải cách, các mục tiêu phát triển bền vững sẽ bị đe dọa nghiêm trọng./.

H.Hà (Theo Reuters, World Bank)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực