|
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus . (Ảnh: news.un.org) |
Theo hãng tin AFP của Pháp, trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 1.748 ca tử vong và 37.217 ca nhiễm mới. Trong đó, những nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ qua là Italy (601 ca), Tây Ban Nha (462 ca), Pháp (186 ca), Mỹ (139 ca), Iran (127 ca).
Italy vẫn được xem là “ổ dịch” tại châu Âu ghi nhận 63.927 ca nhiễm và 6.077 người tử vong, tăng lần lượt 4.789 và 601 ca. Tỷ lệ tử vong ở nước này khoảng 9,5%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong ở Italy đặc biệt cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 sau Italy tại châu Âu. Tính đến sáng ngày 24/3, Bộ Y tế nước này ghi nhận có 35.136 ca nhiễm Covid-19 , trong đó 2.311 trường hợp tử vong. Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong vòng 15 ngày từ ngày 14/3, trong đó có biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ các trường hợp bất khả kháng.
Sáng 24/3, nước Pháp ghi nhận đã có 19.856 ca dương tính với Covid-19 , trong đó 860 ca tử vong. Theo Hội đồng khoa học tư vấn cho Tổng thống và Chính phủ Pháp, đỉnh dịch Coviod-19 tại Pháp có thể diễn ra trong 5 đến 8 ngày tới. Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tại quốc gia này là do tiếp xúc và di chuyển của con người.
Tai Mỹ, theo số liệu mới nhất vừa công bố, nước này đã ghi nhận thêm 139 trường hợp tử vong vì Covid-19 , nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên ít nhất 553 người.
Trước đó, thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã có hơn 43.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, gây bệnh Covid-19 , khiến Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Italy.
Đã có ít nhất 15 bang của Mỹ áp dụng lệnh cấm đi lại, yêu cầu người dân ở trong nhà nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh. Hơn 96 triệu người dân Mỹ, chiếm khoảng 29% dân số cả nước hiện đang phải thi hành lệnh cách ly
Trung Quốc cho đến nay đã thông báo ghi nhận 81.171 ca dương tính với Covid-19 , trong đó có 3.277 trường hợp tử vong. Ngày 23/3, Ủy ban Y tế Quốc gia nước này ghi nhận tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch Covid-19 có những ca nhiễm mới đầu tiên sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 6 ngày liên tiếp. Trong tổng số 78 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Trung Quốc ngày 23/3, có 74 ca từ nước ngoài vào.
Theo tin của AFP, tính theo châu lục, châu Âu hiện có 185.413 ca nhiễm và 10.114 ca tử vong; châu Á ghi nhận 97.905 ca nhiễm và 3.542 ca tử vong; Mỹ và Canada ghi nhận 42.943 ca nhiễm và 519 ca tử vong; Trung Đông 26.744 ca nhiễm và 1.844 ca tử vong; Mỹ Latinh và Caribbe 5.382 ca nhiễm và 68 ca tử vong; châu Phi 1.691 ca nhiễm và 51 ca tử vong; châu Đại dương 1.433 ca nhiễm bệnh và 8 ca tử vong.
WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 đang “tăng tốc”
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra “đang tăng tốc” rõ ràng, nhưng cho rằng vẫn còn khả năng “thay đổi hướng đi” của dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Đại dịch Covid-19 đang tăng tốc”. Ông cho rằng, mất 67 ngày (kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019) để lên tới mốc 100.000 ca lần đầu và mất 11 ngày để vượt mốc 100.000 ca lần thứ 2 và chỉ mất có 4 ngày để đạt mốc 100.000 ca lần thứ 3.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho rằng số ca nhiễm được ghi nhận sẽ ít hơn số ca thực tế khi mà một số quốc gia chỉ ghi nhận những ca nhiễm đang được điều trị tại bệnh viện.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi quốc tế "không thể bàng quan trước dịch bệnh này", đồng thời khẳng định: "Chúng ta có thể thay đối hướng đi của đại dịch”.
Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi nếu muốn thắng được cuộc chiến này, phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe những nhân viên y tế tuyến đầu: "Nếu chúng ta không bảo vệ họ, rất nhiều người sẽ chết vì bệnh dịch bởi những người có thể cứu người giờ đây cũng là nạn nhân của dịch bệnh".
Bên cạnh đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi quốc tế đưa ra cam kết chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Tổng giám đốc WHO cũng sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp với nhau nhằm thúc đẩy việc sản xuất thiết bị bảo hộ thiết yếu phục vụ nhân viên chăm sóc y tế tại cuộc họp diễn ra vào tuần này.
Các nước châu Âu được tự do chi tiêu chống dịch
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về cho vay cũng như chi tiêu nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ các nước EU sẽ không cần phải tuân thủ theo các quy tắc do EU tạo ra vào năm 2011 để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng nợ khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), quy định nợ công của các nước thuộc Eurozone không được quá 60% và Ngân hàng Trung ương châu Âu không được phép bảo lãnh nợ cho các nước thành viên.
“Việc sử dụng điều khoản này sẽ đảm bảo tính linh hoạt cần thiết để thực hiện tất cả các biện pháp nhằm hỗ trợ các hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh cũng như bảo vệ nền kinh tế của EU, bao gồm cả việc kích thích tùy ý và hành động phối hợp”.
Dự kiến, trong ngày 24/3, các Bộ trưởng Tài chính EU sẽ tiếp tục họp trực tuyến để thảo luận về những biện pháp khác với mục đích hợp lực chống lại nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra tại châu Âu và trên toàn thế giới./.