Đây được đánh giá là bước đi đột phá của ông Abe nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, động thái này có khả thi và mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không, dư luận vẫn còn có những ý kiến khác nhau.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 266 tỷ USD để vực dậy kinh tế nước nhà (Ảnh: Reuters)
Từ xác định nguyên nhân…
Theo giới quan sát, trong những tháng đầu năm nay, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mờ nhạt, và chịu tác động mạnh của sự kiện Brexit. Theo thống kê, giá tiêu dùng lõi (thiết yếu) trong tháng 5 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng chung (bình quân) trong tháng 5 cũng giảm 0,4% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lạm phát kỳ vọng cũng không đạt. Mục tiêu đặt ra cho năm 2016 là 0,1% và năm 2017 là 1,1%, nhưng cho đến nay lạm phát lõi vẫn chỉ là 0,0% và 0,8%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục suy giảm. Trong tháng 4 tăng 0,5% thì đến tháng 5 lại giảm 2,3% so với tháng trước. Sự sụt giảm rõ nét nhất ở các lĩnh vực như: ngành hóa chất, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử… Tính chung sản lượng công nghiệp tháng 4 giảm 3,3% và tháng 5 là 0,1%. Niềm tin kinh doanh vẫn mờ nhạt. Trong quý II/2016 chỉ số này đối với các nhà sản xuất vẫn đứng ở mức thấp nhất kể từ sau Chương trình kích thích kinh tế “Abenomics” cách đây hơn 3 năm.
Sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi EU) khiến Nhật Bản cũng chịu tác động không nhỏ, vì Anh là thị trường đầu tư lớn thứ 4 của Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan.
Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật bản vào Anh cũng đã đạt con số gần 100 tỷ USD (2015). Đầu tư được phân bố chủ yếu vào lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tới 32%; vào khai thác mỏ, bao gồm các dự án dầu và khí tự nhiên ở Biển Bắc cũng tới 14%.
Sự kiện Brexit khiến tỷ giá biến động mạnh, ảnh hưởng lớn tới công việc kinh doanh của Nhật Bản. Vì các công ty Nhật Bản có những mặt hàng sản xuất tại Anh, hoặc trung chuyển qua Anh xuất khẩu sang EU trước đây không phải thuế vì nội khối, thì thời hậu Brexit sẽ không còn ưu đãi này, mặt khác còn phải chịu các thủ tục về thương mại và visa.
Việc đồng yen tăng giá cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản. Điều này dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Theo tính toán của các chuyên gia, sự kiện Brexit khiến GDP của Nhật Bản có thể mất đi khoảng từ 0,1% đến 0,8%.
Đồng bảng Anh giảm giá, đồng Yen tăng giá sẽ dẫn đến giá hàng hóa xuất khẩu của Anh vào Nhật Bản cũng giảm theo, tạo nên sự cạnh tranh trong thị trường Nhật Bản với lợi thế thuộc về các doanh nghiệp Anh.
Ngoài ra còn phải kể đến những ảnh hưởng khác như lợi tức, tỉ giá, chứng khoán phái sinh… khiến các nhà đầu tư có tâm lý tránh rủi ro, dẫn đến việc bán tháo đồng Bảng và Euro gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường và kinh tế Nhật Bản.
Đến giải pháp đột phá…
Gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ yen đã được Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ phân bổ vào chi tiêu chính phủ tới 13.000 tỷ yen. Chi công sẽ được đưa vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thu hút du khách quốc tế; đẩy mạnh tự do thương mại khu vực và toàn cầu, thúc đẩy việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định TPP đã ký.
Theo giới phân tích, động thái này nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi giảm phát và hạn chế tác động tiêu cực từ quyết định của sự kiện Brexit. Sau hai ngày làm việc liên tục BOJ đã đưa ra quyết định sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày kể từ khi đưa ra gói kích thích kinh tế mới, thì ngày 29/7 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất và khối lượng tiền cho cơ sở mục tiêu, chỉ tăng khối lượng tài sản mua vào. Có thể đây là động thái thận trọng trước khi triển khai gói kích thích kinh tế mới để đảm bảo tính khả thi cao.
Theo giới phân tích, gói kích thích kinh tế này còn mang động cơ chính trị, khi nó có thể giúp ông Abe duy trì cán cân trên chính trường, bởi cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Được biết, ngay từ khi ông Abe lên cầm quyền cử chi Nhật cũng đã kỳ vọng vào chủ thuyết “Abenomics”, và trên thực tế nến kinh tế Nhật Bản tuy không đạt được các mục tiêu kỳ vọng, nhưng kinh tế nước này cũng đã được cải thiện, nhất là trong quý I/2016.
Mặt khác, vị thế chính trị của ông Abe và đảng cầm quyền (LDP) bên cạnh điểm nhấn về kinh tế là chính sách “Abenomics” còn phải kể đến chiến lược quốc phòng, an ninh, với tham vọng đưa Nhật Bản trở lại vị thế “nước lớn chính trị, quân sự” cũng được cử tri Nhật Bản chấp nhận. Vì thế, gói kích thích kinh tế khổng lồ không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn chứa đựng động cơ chính trị không nhỏ.
Và kỳ vọng ở hiệu quả…
Theo giới quan sát, các chuyên gia và giới phân tích đang có những ý kiến khác nhau về tính khả thi của gói kích thích kinh tế lần này của ông Abe. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay của Nhật Bản có thể chưa phù hợp, khiến gói kích thích này gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tính khả thi phụ thuộc vào các yếu tố cả trong và ngoài nước. Nhân tố chủ đạo là trong nước thì trong thời gian vừa qua bên cạnh những gam màu tối, thì kinh tế Nhật Bản cũng đã có những điểm sáng như: những chỉ số tăng trưởng của quý I và chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng nhẹ từ mức 40,9 điểm trong tháng 5 lên 41,8 điểm trong tháng 6, vượt mức dự kiến trước đó là 41,1 điểm.
Còn yếu tố bên ngoài, nhất là sự kiện Brexit. Theo giới phân tích nếu nước Anh sớm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Việc rời EU của nước Anh êm ả, không xẩy ra hiệu ứng domino, cơn “sốc” tài chính sớm qua đi thì việc triển khai gói kích thích kinh tế của Nhật Bản sẽ thuận lợi và tính khả thi sẽ cao hơn.
Mặt khác, việc tuyên bố gói kích thích kinh tế lớn còn thể hiện quyết tâm của chính phủ Abe phản ứng kịp thời với tác động trong nước cũng như quốc tế sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý tổng hợp cho cả các nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo giới phân tích, nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua gói kích thích nêu trên thì khả năng tác động tích cực là rất lớn, bởi vì về nền kinh tế trong nước Nhật Bản đã có những điểm sáng đáng ghi nhận đó là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, khi tiêu dùng tăng lên sẽ trực tiếp kích thích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo đó, các chỉ số về việc làm và lạm phát cũng sẽ được tăng lên. Trong đó, nhân tố tác động mạnh nhất 13.000 tỷ yen dành cho chi tiêu công.
Mặt khác, Nhật Bản đang và sẽ có vị thế cao hơn trước, bởi vì hậu Brexit vị thế của EU – 1 trong 3 trung tâm kinh tế thế giới suy giảm, đồng Yen sẽ thay thế vị trí số 2 của đồng Euro trong “rổ tiền” có khả năng thanh toán toàn cầu. Trên thực tế vừa qua, ngoài đồng USD và vàng thì đồng Yen đang được các chính phủ và nhà đầu tư sử dụng làm tiền thanh toán và cất trữ với mức độ lớn hơn trước.
Như vậy, gói kích thích kinh tế khổng lồ của Thủ tướng Nhật Bản Abe mới đưa ra, được coi là giải pháp đột phá cho nền kinh tế nước này trong bối cảnh có nhiều khó khăn đến từ trong và ngoài nước. Tuy còn có những ý kiến khác nhau về tính khả thi, nhưng theo giới phân tích, thì đây là bước đi thể hiện sự phản ứng kịp thời, nhanh nhạy trước những biến động có tính bước ngoặt trong quá trình định hình cấu trúc trật kinh tế toàn cầu theo hướng đa cực./.