CĐV bị thương trên sân Hàng Đẫy tối 11/9 (Ảnh: bongdaplus.vn)
V-League trong quá khứ đã từng chứng kiến biết bao sự việc khiến người hâm mộ chân chính phải ngao ngán. Năm 2008, chỉ trong 1 tháng, sân Vinh liên tiếp xảy ra bạo động bởi các fan Sông Lam Nghệ An. Đầu tiên là màn "đấu võ" với Thể Công, và sau đó là vụ va chạm đỉnh điểm với Hải Phòng khiến 1 CĐV thiệt mạng cùng rất nhiều máu đổ khi khán giả tràn xuống sân hỗn chiến. Một năm sau, tới lượt Hải Phòng gây chuyện trong trận đấu với Thể Công. Sau trận đấu ngày 10/6/2009, các hooligans đất Cảng vô cớ đập phá xe cộ, đánh người dân phía ngoài sân Hàng Đẫy, la hét chống đối lực lượng chức năng. Sau khi Cảnh sát Cơ động buộc phải trấn áp, 8 CĐV Hải Phòng đã phải lĩnh án tù.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt, sân chơi V-League đã cải thiện được bộ mặt của mình trong thời gian gần đây. Nhưng ở một số sân đấu, nguy cơ mất an toàn từ sự quá khích của CĐV vẫn hiển hiện. Tháng 5/2018, trong khuôn khổ Cúp Quốc gia tại sân Pleiku, HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội phản ứng gay gắt khi cho rằng có CĐV của HAGL cố tình tiếp cận để tấn công ông. Chỉ 2 tháng sau, sau trận thua Sông Lam 2-3, CĐV Nam Định nhảy xuống tận mặt sân Thiên Trường tấn công cả trọng tài lẫn phóng viên đang tác nghiệp. Và mọi thứ đã trở nên rất tệ vào chiều tối ngày 11/9/2019. Trong khung cảnh mù mịt bởi khói pháo sáng tại khu vực dành cho CĐV Nam Định, bất ngờ một quả pháo cứu hộ được bắn thẳng về phía khán đài A. Một CĐV nữ tại Hà Nội, phóng viên báo Nhi Đồng được chẩn đoán bỏng lưu huỳnh, vết thương vào tới tận xương.
CĐV Nam Định đốt pháo mù mịt tại khán đài B (Ảnh: vnexpress)
Trên sân, các cầu thủ thành Nam không còn tâm trí đâu mà thi đấu, chấp nhận buông xuôi với thất bại 1-6. Còn trên các khán đài, người ta cũng không hiểu các CĐV Nam Định hò reo, dồn trống vì lý do gì sau khi hành hung gây thương tích cho một chiến sỹ Cảnh sát Cơ động. Bóng đá không còn là bóng đá nữa, khi những kẻ nhân danh khán giả sẵn sàng bắn pháo vào đồng bào của mình. Môn thể thao Vua không còn là trò chơi mê hoặc nữa, khi tinh thần cao thượng phải nhường chỗ cho sự cay cú, bạo lực. Và một giải đấu còn có ý nghĩa gì nữa, khi điều cơ bản nhất đã bị bỏ quên: Thượng tôn pháp luật!
Có lẽ không quá khó để tìm ra chân dung những kẻ giật kíp pháo sáng tại Hàng Đẫy. Các hình ảnh từ hàng loạt camera của phóng viên thể thao đủ sức giúp cơ quan chức năng nhận diện những kẻ phá hoại núp dưới vỏ bọc CĐV. Đây không phải lần đầu tiên Ban tổ chức sân Hàng Đẫy chủ quan, dẫn tới việc không kiểm soát được tình hình. Nhưng những kẻ coi thường luật pháp trong hội CĐV Nam Định cũng khó có thể được tha thứ. Ngay cả khi đã có người bị thương, pháo sáng vẫn liên tục được đốt như một sự thách thức. Những điều xấu xí đó không chỉ diễn ra trước vài nghìn CĐV Hà Nội, nó còn được truyền đi tới hàng triệu khán giả truyền hình cả nước và được truyền thông nước ngoài đưa tin.
Bóng đá không còn ý nghĩa khi không có khán giả, nhưng bóng đá cũng sẽ không còn là trò chơi của niềm đam mê, khi khán giả không biết tôn trọng vẻ đẹp của nó!