Những môn thể thao truyền thống ngày Tết

Thứ năm, 03/02/2011 09:46

(ĐCSVN) – Mỗi độ Tết đến, các môn thể thao truyền thống lại có dịp lên ngôi. Trong không khí náo nức của ngày Xuân, các môn thể thao dân tộc chính là điểm nhấn gần gũi nhất, đặc sắc nhất, và cũng ấn tượng nhất đối với mỗi người dân chúng ta. Gìn giữ và phát triển các môn thể thao độc đáo và giàu tính nhân văn, đó cũng là một trong những việc làm tôn vinh văn hóa Việt.
 

 

Thi đấu Cờ người, một nét văn hóa độc đáo của người Việt. (Ảnh: internet)

Nói đến thể thao ngày Tết, thú vui nhàn tản mà trí tuệ nhất chính là môn Cờ người. Môn thể thao độc đáo này được coi là xuất phát từ ở đồng bằng Bắc Bộ, tới nay đã được phát triển một cách sâu rộng tới cả các làng, xã trên cả nước. Đáng chú ý, ở một số tỉnh Nam Bộ, Cờ người còn được lồng ghép vào những pha đấu võ thuật cổ truyền, gây hứng thú đặc biệt cho khán giả.

Các trận Cờ người thường diễn ra ở khu vực rộng rãi, như sân đình, chùa. Khác hẳn với Cờ tướng, khi 2 người chơi đối diện nhau với 32 quân cờ, Cờ người có rất thu hút người xem và có tính cộng đồng rất cao.

Theo truyền thống, “bàn cờ” được kẻ rất rộng, đủ chỗ cho các “quân cờ” di chuyển mà không làm quá rối mắt. Ngày xưa, ở các làng quê Bắc Bộ, “quân cờ” còn phải được lựa chọn từ các nam thanh, nữ tú trong làng. Y phục được chọn cũng rất kỹ càng. Quân Tướng phải đội mũ tướng soái, mặc triều phục long trọng, chân đi hài thêu, và có lọng che phía sau. Quân Sĩ thường đội mũ cánh chuồn, trong khi Tốt phải ăn vận như một binh sỹ thực thụ, đội nón, quần áo gọn gàng theo màu chọn sẵn dành cho mỗi bên. Mỗi người tham gia sẽ cầm một cây trượng sơn son thếp vàng ghi chữ tương ứng với mỗi quân cờ. Thường thì cây trượng đó sẽ là dấu hiệu tốt nhất để người cầm cờ theo dõi và thi triển nước đi.

Dù luật chơi Cờ người không khác với môn Cờ tướng, nhưng sự cổ động của người xem mới chính là nét khác biệt lớn nhất. Trước khi thi đấu, thường 2 đội cờ sẽ có màn biểu diễn theo tiếng trống để tiến vào vị trí. Các kỳ thủ được chọn thi đấu thường là những người có tuổi tác, địa vị, và được kính trọng. Mỗi người cầm theo một chiếc cờ ngũ sắc để dẫn dắt và điều khiến trận đấu. Mỗi nước đi đều có tiếng trống Cái phụ họa. Đặc biệt, bầu không khí sẽ trở nên căng thẳng và thú vị hơn rất nhiều, khi tiếng trống dồn dập báo hiệu mỗi lần chiếu tướng, hoặc sát cục (dọa chiếu hết).

Quanh sân đấu là khu vực dành cho khán giả. Dễ thấy không khí lễ hội luôn tràn ngập nơi đây. Người xem bàn tán, thưởng thức và “bình” từng nước đi của kỳ thủ. Sự náo nhiệt và hấp dẫn càng tăng cao nếu như có đại diện nào đó thách đấu người thắng cuộc. Thường thì các giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng, nhưng vẫn có ý nghĩa rất đặc biệt với sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ.

Tôn vinh sự tinh tế và hào hoa, sự độc lập và khôn ngoan của con người, đó là Cờ tướng. Môn thể thao này đề cao tư duy suy nghĩ, sự thông minh và tĩnh lặng, nay đã được biến đổi ít nhiều qua diện mạo của Cờ người. Đối lập với môn thi đấu độc đáo này là những môn thể thao mang tính trò chơi hay cơ bắp nhiều hơn của ông cha ta. Có thể kể ra rất nhiều môn luôn xuất hiện trong những ngày Tết, như Đánh vật, Kéo co, Đua thuyền, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Tung còn…v.v. Mỗi môn đều có những nét đặc sắc khác nhau.

 

 Đấu vật ngày Xuân. (Ảnh: internet)


Tôn vinh sức mạnh, sự nhanh nhẹn và khả năng võ nghệ, đó là Đấu vật. Đấu vật cũng là một trong những nét văn hóa được gìn giữ tốt nhất, có bản sắc nhất ở các vùng làng quê Việt. Xuất phát từ những cuộc thi được nữ tướng Lê Chân dưới quyền Hai Bà Trưng khởi xướng để chiêu tuyển binh sỹ, Đấu vật trong những ngày Tết đã tồn tại cho tới tận bây giờ.

Ở các khúc sông lớn, Đua thuyền cũng là môn thể thao rất được ưa chuộng trong mỗi độ Xuân về. Xuất phát từ nhu cầu tập luyện thủy chiến ngày xưa để chống ngoại xâm, Đua thuyền đã trở thành một môn thể thao có sức hút mạnh mẽ đối với các làng quê, trở thành một truyền thống đáng gìn giữ của dân tộc.

Cũng trong dịp Tết, các trò chơi dân gian độc đáo khác cũng xuất hiện ở các bản làng dân tộc thiểu số. Bắt nguồn từ chính chính điều kiện sống, các môn thể thao như Bắn nỏ, Đẩy gậy, hay Ném còn đã ra đời. Đó không chỉ là các trò chơi mang tính cộng đồng cao, mà còn biểu trưng cho những nét sinh hoạt mang bản sắc văn hóa dân tộc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực