Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia phân viện TP Hồ Chí Minh, dù có nhiều cơ hội để làm việc tại một môi trường năng động như thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi biết thông tin Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế tại các xã nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 -2020, Nguyễn Xuân Thắng đã đăng ký tham gia và được tuyển chọn về công tác tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
"Đó là địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, ¾ là đồi núi. Để đến được chỗ làm, từ nhà tôi phải vượt quãng đường hơn 100 cây số", chàng trai sinh năm 1991 nói.
Sau khi nhận công tác, thấy lĩnh vực cải cách hành chính ở A Bung còn nhiều bất cập, chưa được lãnh đạo UBND xã quan tâm đúng mức, chỉ số cải cách hành chính của xã hằng năm luôn ở mức trung bình, với những kiến thức tích lũy trên giảng đường đại học, trí thức trẻ này đã mạnh dạn đề xuất sáng kiến “Đổi mới quy trình, huy động sự tham gia của cán bộ, công chức góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính cấp xã” và được chấp thuận.
Với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trên 06 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính, thực hiện theo khung logic, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức; thời gian hoàn thành, tiêu chuẩn đầu ra cũng như đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, thường xuyên cập nhật và niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại “bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông” sau một thời gian thực hiện, công tác cải cách hành chính của xã có những bước tiến đáng kể; giảm thiểu phiền hà cho các tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch. Chỉ số cải cách hành chính của A Bung liên tục tăng qua các năm: năm 2016 xếp loại trung bình (8/14), năm 2017 loại khá (6/14), năm 2019 loại tốt (3/14).
|
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2019 cho Nguyễn Xuân Thắng
|
Không dừng lại ở đó, sinh ra trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết, Thắng hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người nông dân và vì sao cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. “Trong một lần tình cờ xem chương trình “Sinh ra từ làng” giới thiệu hiệu quả từ mô hình nuôi dúi tại các khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Kạn, tôi nhận thấy cũng như những địa phương này, A Bung có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nuôi dúi. Nguồn thức ăn ở đây rất dồi dào, khí hậu lại phù hợp để dúi sinh trưởng và phát triển, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Đó chính là động lực để tôi tự tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu từ đó, tham mưu với UBND xã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức Plan để thí điểm xây dựng mô hình nuôi dúi theo hộ gia đình", người con quê Quảng Trị chia sẻ.
Từ 06 mô hình thí điểm ban đầu với 4 con/hộ qua 8 tháng nuôi, đàn dúi sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít mắc bệnh, một số dúi đã sinh sản. Với giá thành 250.000 đồng/kg dúi thịt và 700.000 đồng/1 cặp dúi giống đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nhân dân. Nhận thấy rõ hiệu quả, đến nay mô hình đã được nhân rộng với tổng đàn trên 200 con, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Khẳng định vai trò của trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người dân, Nguyễn Xuân Thắng được cán bộ, đảng viên và nhân dân A Bung tin tưởng, yêu mến.
"Là người thường xuyên, trực tiếp làm việc với bà con nhân dân, ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Nơi tôi công tác có 3 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm tới 85%, dân tộc Vân Kiều chiếm 10%, còn lại là dân tộc Kinh nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em trong xã, tôi đã khắc phục khó khăn, học tiếng dân tộc và cố gắng tìm hiểu về phong tục của bà con, thường xuyên về thôn bản để nắm tình hình, kịp thời tư vấn, hỗ trợ, động viên nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Cũng chính bởi gần dân, gắn bó với dân để hiểu dân nên tôi nắm rất chắc tình hình, vận dụng xử lý tình huống để rồi đoạt giải Nhì tại Hội thi Dân vận khéo cấp huyện”.
Với chuyên ngành được đào tạo lại được phân công là cán bộ văn phòng, Nguyễn Xuân Thắng được lãnh đạo tin tưởng giao soạn thảo cuốn lịch sử xã. Cuốn sách dày 500 trang là kết quả của 8 tháng miệt mài tìm kiếm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, lãnh đạo xã các thời kỳ nên khá sinh động, đủ thông tin về vùng đất, con người, văn hóa, kinh tế, xã hội của A Bung.
Nói về những việc làm đóng góp cho vùng đất còn nhiều khó khăn, Nguyễn Xuân Thắng giản dị chia sẻ: “Tôi tự nhủ phải luôn gắn hoạt động thực thi công vụ với thực hiện có hiệu quả phong trào “3 trách nhiệm” - trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với bản thân. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu, tìm tòi các mô hình, sáng kiến thích hợp để vận dụng ở nơi mình công tác, phấn đấu trở thành đảng viên, "làm đầy tớ trung thành của nhân dân" theo lời dạy của Bác Hồ”.
Nguyễn Xuân Thắng chính là 1 trong 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ của toàn quốc được vinh danh tại lễ tuyên dương Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2019.