Nữ nông dân với khát vọng đổi thay vùng muối

Thứ sáu, 06/03/2020 15:30
(ĐCSVN) - Nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, dám nghĩ, dám làm, bà Trần Thị Tân, nông dân thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã làm được những việc mà nhiều người nghĩ là không thể. Bà là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.

“Năm 1973, tôi được cử đi học ở trường Trung cấp Kỹ thuật Đồ Sơn, chuyên ngành sản xuất muối. Ra trường, với vốn kiến thức được đào tạo, tôi nhận tư vấn kỹ thuật cho các xí nghiệp sản xuất muối. Cứ nơi nào ngỏ lời tôi lại tham gia tư vấn, coi đó là một lần học hỏi, có thêm kinh nghiệm”, người phụ nữ nay đã ở tuổi 65 nói. 

Với vốn kiến thức tích cóp suốt gần ba chục năm, bà Trần Thị Tân trả lời được một cách thấu đáo câu hỏi làm thế nào để có thể khai thác tối đa lợi thế khu vực ven biển Ninh Hải, nơi nổi tiếng với nghề sản xuất muối, quê hương của bà. 

Bà Trần Thị Tân bên ruộng muối trắng, sạch cho năng suất, chất lượng cao - Ảnh: NVCC 

Năm 2000, người phụ nữ này quyết định thuê 2,4 hecta đất cát bỏ hoang ở khu vực Đầm Vua, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cải tạo thành ruộng sản xuất muối. “Áp dụng phương pháp “Kê bùn trên cát”, ruộng muối của tôi cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Năm 2014, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích ruộng muối ở khu vực núi Quýt, xã Tri Hải và đến nay tôi sở hữu 05 hecta ruộng sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt nhựa với số vốn 4,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hằng năm từ 1,5 - 2 tỷ đồng, lợi nhuận tính ra khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Số lượng lao động duy trì từ 15 - 20 người”, bà Tân chia sẻ.

Để có được thành quả ấy, cùng với kiến thức, kinh nghiệm thì không thể không nói đến sự quyết đoán. “Khu vực chân núi Quýt bỏ hoang nhiều năm. Khi tôi đưa ý tưởng chuyển đất màu ven núi sang làm muối, nhiều người ngăn cản bởi ý tưởng này với mọi người hoàn toàn phi thực tế. Làm sao có thể biến nơi có độ cao từ 20-40m so với mặt nước biển, lại cách biển hơn 3 cây số để làm muối được? Nguồn nước mặn phục vụ sản xuất muối ở đâu? Kể cả giải quyết được bài toán này thì chi phí bỏ ra cũng hơn nhiều so với cách làm truyền thống. Vậy nhưng tôi vẫn kiên trì thực hiện bởi tôi tin, chỉ khi thành công mới thuyết phục được mọi người. Và thành công ấy được đánh đổi bởi biết bao mồ hôi, nước mắt của tôi trên ruộng muối, xử lý thật ổn mặt bằng trước khi hàng chục chiếc xe bò vận chuyển cát đổ vào”, bà Tân nhớ lại.

Nói về phương pháp “Kê bùn trên cát”, bà cho biết: "Một lần tình cờ tôi chứng kiến diêm dân áp dụng phương pháp này để sản xuất muối.  Đó là cách làm hay nhưng chưa hiệu quả. Mà để hiệu quả thì cái cần rút kinh nghiệm là ở khâu kỹ thuật. Vậy là tôi bắt tay vào thử nghiệm ở diện tích 20m2, khắc phục những điểm mà người diêm dân chưa làm được. Tôi thực hiện kê một lớp bùn 10cm đều trên mặt cát biển đã được san phẳng, lăn ép rồi cho nước mặn lên phơi để xác định độ thẩm lậu và màu sắc hạt muối làm ra có đạt yêu cầu thì mới dùng đại trà. Kết quả là muối cho năng suất cao hơn hẳn, chất lượng muối tốt hơn, hạt muối trắng, sạch hơn rõ rệt so với cách làm truyền thống. Chính nhờ phương pháp này, tôi đã nhanh chóng trả nợ được ngân hàng và giúp nhiều diêm dân bớt cực".

Bà Trần Thị Tân (thứ 5 từ phải qua) nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 

Nói về diêm dân, bà Tân không khỏi xúc động: “Nghề làm muối nhọc nhằn lắm. Bởi duy trì cách làm truyền thống nên thu nhập rất thấp do năng suất không cao, chất lượng thấp. Vì cuộc sống mà nhiều diêm dân không trụ nổi đành phải bỏ nghề. Tôi có may mắn được học hành nên tự nhủ phải cố gắng làm sao để diêm dân bớt khổ”.

Cũng bởi thấu hiểu tình cảnh của những người lao động nghèo mà năm nào tổ hợp tác của bà đều tặng ít nhất 05 triệu đồng cho quỹ giúp đỡ người nghèo đón tết của Hội Phụ nữ, Hội Cựu thanh niên xung phong, Huyện đoàn, trường học... đóng trên địa bàn huyện Ninh Hải. Bà Tân còn trực tiếp nhận đỡ đầu 01 hộ gia đình nghèo có chủ hộ là nữ, hỗ trợ vốn chăn nuôi và nhận đỡ đầu về mặt kỹ thuật sản xuất muối cho con một phụ nữ tại địa phương.

Được ghi nhận là “Nông dân có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới” như vận động nông dân tham gia sản xuất muối sạch; tham gia xây dựng và bảo vệ môi trường, sạch nhà, sạch đường, sạch xóm…, bà Trần Thị Tân chính là tác giả của 3 sáng kiến đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Ngoài phương pháp “Kê bùn trên cát” kể trên, mô hình “Đưa nước mặn cách từ 03 đến 05 km từ biển lên chân núi sản xuất muối” mà bà mạnh dạn làm bằng cách đầu tư máy bơm “văn thể” sản xuất tại Tây Nguyên bơm nước mặn lên chân núi để sản xuất muối đã cho kết quả thành công.

Do chi phí đầu tư cao nên bà con diêm dân chưa thể áp dụng, bà Tân cũng là người đầu tiên thực hiện mô hình “Kết tinh muối trên nền bạt nhựa”. Từ 300m2 sân kết tinh bằng bạt nhựa do Trung tâm khuyến nông chuyển giao từ năm 2010, đến nay bà đã đầu tư xây dựng được 3,7 ha ruộng sản xuất có sân kết tinh trên nền bạt nhựa. Mô hình cho chất lượng muối tốt, giá thành vượt trội so với muối sản xuất trên nền đất. Năm 2014, sản phẩm muối của bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012 – 2017, được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp Trung ương giai đoạn 2012 – 2016, được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018 và Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhận 03 Bằng khen UBND tỉnh Ninh Thuận, bà Trần Thị Tân là một trong 10 cá nhân tiêu biểu nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019./.

Gia Huy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực